Hội nghị Du lịch ASEAN (ATC)
Trong bài tham luận về "Du lịch ASEAN trong cơn khủng hoảng", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành PATA Gregory Duffell nhận định trong tình hình thế giới ngày càng có những biến động phức tạp, ngành du lịch ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khủng bố, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế... Những thách thức đó đã tác động tiêu cực đến dòng khách du lịch trong khu vực. Từ chỗ đạt mức tăng trưởng 20,5% năm 2004, lượng khách du lịch đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã liên tục suy giảm và chỉ đạt tăng trưởng 2,5% trong năm 2008 vừa qua. Riêng khu vực ASEAN, mức tăng trưởng năm 2004 và 2008 tương ứng là 30,6% và 3,5%. Năm 2008, các quốc gia thành viên ASEAN đạt mức tăng trưởng du khách thấp, thậm chí có quốc gia đạt mức tăng trưởng âm (Singapore, Myanmar). Theo ngài Gregory Duffell, trong bối cảnh này cần nhận định đúng đắn tình hình và đưa ra những biện pháp kiểm soát hữu hiệu khủng hoảng để khôi phục mức tăng trưởng, trong đó tập trung vào những vấn đề về đào tạo nhân lực, kiểm soát chi phí, quy hoạch, tăng cường hợp tác nội khối, tận dụng mọi cơ hội khai thác sản phẩm hợp lý, chia sẻ thông tin... Tuy phải đối mặt với tình hình đầy biến động và thách thức, nhưng tham luận vẫn chỉ ra những tín hiệu tích cực trong năm 2009 và giai đoạn tiếp theo trong khu vực ASEAN, như: nền tảng dân cư đông và vẫn tiếp tục tăng trưởng, các kênh trao đổi thương mại xuyên biên giới hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, các nước đã dành ngân sách lớn hơn cho hoạt động quảng bá, tăng cường liên kết các tuyến bay, chính sách bầu trời mở, sự mở rộng của con đường Xuyên Á... Những yếu tố này là cơ sở góp phần khắc phục khó khăn, thách thức nhằm vực dậy ngành du lịch ASEAN.
Tổng Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối du lịch Mekong (MTCO), ngài Mason Florence, với tham luận về "Xây dựng thương hiệu điểm đến" cho rằng một trong những yếu tố căn bản là cần phải nhìn nhận các điểm đến không thể tồn tại độc lập mà cần đặt trong mối quan hệ với các thương hiệu khác và cả những thương hiệu nhỏ bên trong. Chẳng hạn, nếu nhìn nhận Hà Nội là một thương hiệu lớn thì bên trong đó tồn tại những thương hiệu như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Mỹ Sơn... Và Hà Nội cũng không thể chỉ tồn tại và phát triển đơn lẻ mà cần có sự liên kết với các địa phương khác như như Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng... Một thương hiệu được xây dựng thành công khi du khách từ những vùng khác nhau trên thế giới đều có chung nhận thức về điểm đến đó. Tham luận cũng đặt ra câu hỏi cho các đại biểu về ý tưởng xây dựng thương hiệu cho khu vực Mekong, cần chuyển tải đến du khách thông điệp gì từ điểm đến này. Ngài Mason Florence cũng cho biết, Văn phòng MTCO đã triển khai chiến dịch Explore Mekong nhằm xây dựng nhận thức về thương hiệu điểm đến khu vực Mekong (tham khảo tại website www.exploremekong.org).
Tham luận "Phát triển Du lịch biển" của Ngài Baron R. Ah Moo - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Hotels and Resorts đã nêu ra những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển du lịch biển, đó là: Chính sách của Chính phủ, môi trường, nguồn nhân lực, các công ty, năng lực phục vụ, văn hóa, giải trí, kiến trúc và thiết kế, những tiện ích cơ bản, giao thông đi lại. Điều quan trọng khi phát triển du lịch biển đó là bảo đảm sự bền vững của hệ sinh thái. Một số nghiên cứu mẫu cũng được giới thiệu tại Hội nghị, như nghiên cứu phát triển du lịch biển tại Kota Kinabalu (Malaysia), Krabi (Thái Lan), Hội An, Đà Nẵng (Việt Nam).
Sau phần trình bày tham luận, Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận các chủ đề của hội nghị.