Hành trang lữ khách

Cung An Định: Điểm đến hấp dẫn của tour “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”

Cập nhật: 11/05/2018 08:54:02
Số lần đọc: 672
Cung An Định (số 97, đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế) trước đây là nơi ở của gia đình cựu hoàng Bảo Đại từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau năm 1975, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Hiện nay, di tích này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp quản và phát huy giá trị.


Đình Trung Lập án ngữ ngay lối ra vào cổng của cung An Định. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Trong kế hoạch phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn từ nay đến năm 2020, cung An Định dự kiến sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày và triển lãm nhằm thu hút khách du lịch.

Ngoài không gian trưng bày ở Khải Tường Lâu, các hoạt động trưng bày và kinh doanh dịch vụ sẽ được tổ chức gắn với hoạt động bảo tàng, giới thiệu hàng thủ công, lưu niệm.

Trung tâm đang tiến hành trùng tu phục hồi nhà hát Cửu Tư Đài để tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống…

Dịp hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm di tích cung An Định tròn 100 tuổi (1917-2017), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm chủ đề “100 năm cung An Định.”

Triển lãm đã mang đến cho công chúng những hiểu biết, khám phá mới về di tích cung An Định từ nhiều góc độ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt Nam và phương Tây thời cận đại. Từ bấy đến nay, cung An Định luôn là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.

Triển lãm giới thiệu gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với giai đoạn cuối cùng của lịch sử triều Nguyễn, đặc biệt với hoàng đế Khải Định và gia đình hoàng đế Bảo Đại nhằm mang đến cho công chúng những khám phá mới về di tích cung An Định từ góc độ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt Nam và phương tây thời cận đại.

Dưới triều hoàng đế Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia. Đây là nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại từng sinh sống khi nhà vua thoái vị (8/1945); đặc biệt, cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung - vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Cung An Định trước kia có tên là Phủ Phụng Hóa, được vua Đồng Khánh (1886-1889) cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bên bờ sông An Cựu để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo.

Năm 1917, Hoàng tử Bửu Đảo sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916-1925) đã cho xây dựng lại phủ và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của vua Khải Định, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy, sau này là vua Bảo Đại.

Cung An Định quay mặt về hướng Nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng hơn 23.000m2. Khi còn nguyên vẹn, trong cung có 10 công trình, từ trước ra sau là: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước...

Hiện chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính được làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu.

Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, được đúc từ năm 1920.

Lầu Khải Tường là một công trình đồ sộ với dáng vẻ một lâu đài châu Âu thời trung cổ. Tòa lầu có diện tích nền 745 m2, gồm ba tầng, 22 phòng, đủ cả phòng khách, phòng ở và khu vực thờ phụng.

Giá trị nổi bật của lầu Khải Tường là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường ở nội thất và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất; trong đó, tiêu biểu là 6 bức tranh tường vẽ cảnh của 5 khu lăng: Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và hai bức vẽ lăng vua Đồng Khánh, phụ hoàng của vua Khải Định. Những bức tranh này được hỗ trợ phục hồi bởi các chuyên gia bảo tồn di sản của Đức.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, việc phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định bao gồm 6 bức tranh tường lớn ở tiền sảnh cung An Định (có kích cỡ 1,8m x 1,4m và 1,8m x 1m) và họa tiết trang trí ở tường và trần nhà của cung, vốn bị hư hại do thời gian và chiến tranh. Dự án do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ không hoàn lại, với tổng mức đầu tư 355.000 Euro để trùng tu tranh và họa tiết trang trí ở tường và trần nhà cung An Định (giai đoạn I), cố đô Huế, phục hồi theo kỹ thuật sơn dầu trên chất liệu vữa. Giai đoạn 2, dự án phục hồi tranh tường cung An Định với khoảng 3.610m2 tranh tường, vốn đầu tư gần 445.000 euro.

Tranh tường cung An Định phải phục hồi do trước đó, màu trên tranh bị bong tróc vì bề mặt vữa gốc của tường vỡ ra, một số khác bị quét các lớp vôi đè lên làm cho màu gốc bị phai mờ. Phương pháp mà các nhóm chuyên gia người Đức đặt ra trong việc tiến hành phục hồi các bức tranh tường là nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi.

Từ những kết quả thu thập được, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện theo thứ tự các công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn (vữa) mỏng bằng keo polyacrylic, tiến đến chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường.

Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia sẽ dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino. Theo các chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, đó cũng là cách tốt nhất, giúp tranh tồn tại lâu nhất../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục