Hoạt động của ngành

Du lịch Tiên Yên (Quảng Ninh) - Tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 16/05/2018 09:29:46
Số lần đọc: 589
Trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình, huyện Tiên Yên luôn đưa mục tiêu phát triển du lịch vào top quan trọng nhất. Mục tiêu đó là có cơ sở khi trên địa bàn Tiên Yên có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, khám phá.

Điểm đến hoang sơ, quyến rũ

Đến Tiên Yên, du khách có thể thoải mái lựa chọn cho mình một điểm du lịch phù hợp. Du khách có thể cùng người dân bắt các loài hải sản trong những cánh rừng ngập mặn rộng lớn ở Đồng Rui, Đông Ngũ... hoặc đến mũi Lòng Vàng, thác Pạc Sủi để tận hưởng không gian yên tĩnh nhưng đầy quyến rũ.

Để du lịch Tiên Yên phát huy hết tiềm năng, UBND tỉnh đã có Quyết định 2783/QĐ-UBND, ngày 20/7/2017, công nhận 1 tuyến và 4 điểm du lịch trên địa bàn huyện Tiên Yên. Theo đó, tuyến du lịch “Một ngày trải nghiệm với vùng đất Tiên Yên” bao gồm 4 điểm du lịch đã được công nhận, gồm: Thác Pạc Sủi (xã Yên Than); chợ Tiên Yên (thị trấn Tiên Yên), đền thờ Đức ông Hoàng Cần - Miếu Đại Vương (thị trấn Tiên Yên) và điểm du lịch Trung tâm Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (xã Yên Than). Bên cạnh đó còn có các điểm phụ trợ: Rừng ngập mặn Đồng Rui; điểm dừng chân mua sắm các sản phẩm OCOP. Các điểm du lịch của huyện Tiên Yên cơ bản đều còn rất hoang sơ, tự nhiên, chưa có sự tác động của con người nên luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách.

Không chỉ có loại hình du lịch tự nhiên, huyện Tiên Yên còn được biết đến là địa phương có các điểm đến tâm linh, lịch sử. Trong hành trình khám phá Tiên Yên, du khách có thể đến đền thờ Đức ông Hoàng Cần - Miếu Đại Vương; Đài tưởng niệm các liệt sĩ Cộng sản Khu di tích lịch sử Khe Tù. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí có ghi lại, Hoàng Cần là người địa phương, có công dẹp giặc giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế, triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương cũng kính trọng gọi ông là Đại Vương và lập đền thờ, còn gọi là miếu Đại Vương.

Để du lịch phát triển

Bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển du lịch của huyện Tiên Yên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực nhiều hơn trong lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để tạo đà tiếp cận với môi trường du lịch, huyện Tiên Yên cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp nhằm mở ra nhiều hướng đi và đã được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.

Mặc dù tài nguyên du lịch của huyện Tiên Yên tương đối phong phú, đa dạng và vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, điều mà du khách luôn mong muốn, tuy nhiên các tài nguyên này đa phần nhỏ, giá trị không cao, lại phân bố rải rác, không tập trung nên sẽ gây khó khăn trong quá trình khai thác. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông của Tiên Yên đã được đầu tư nhiều nhưng đường đến một số điểm du lịch vẫn còn khá khó khăn, khó tìm. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch của Tiên Yên vẫn còn ở dạng tiềm năng nên cần có đề án cụ thể trong việc đầu tư, tôn tạo, bảo vệ, khai thác một cách tốt nhất các tài nguyên này, từ đó đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một trong những mấu chốt mà huyện Tiên Yên cần có sự đầu tư mạnh để phát triển du lịch đó là đầu tư nguồn nhân lực cho du lịch, bởi hiện tại vẫn còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú của huyện Tiên Yên còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Yên chưa có khách sạn mà mới chỉ có 22 nhà nghỉ với 258 phòng.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Tiên Yên đã nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh cũng như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để du lịch phát triển mạnh hơn nữa thì Tiên Yên cần quyết tâm hơn, đầu tư mạnh hơn, đặc biệt là về nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Cùng chuyên mục