Hành trang lữ khách

Về thăm phố cổ Hội An

Cập nhật: 18/05/2018 09:12:14
Số lần đọc: 987
Hội An được không ít trang du lịch quốc tế ca ngợi “đẹp như một bức tranh hoàn hảo cuối thế kỷ XIX”. Vẻ đẹp kiến trúc của các di tích cổ, những mái ngói phủ rêu phong, những con đường ngập sắc màu đèn lồng, đã mang đến cho Hội An nét đẹp hoài cổ khó nơi nào có được.

Nét đẹp phố Hội

Nằm bên bờ sông Hoài, đô thị cổ Hội An có hơn 1.000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn. Hội An vì thế trở thành điểm đến được lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người. Dạo quanh những con phố nhỏ, du khách không chỉ thưởng thức những món ăn ngon mà còn thấy được một phần cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân phố Hội, nhất là khám phá quần thể di tích kiến trúc Hội An độc đáo.

Không khó để nhận ra rằng, những ngôi nhà ở Hội An có nhiều nét tương đồng về kiến trúc và màu sắc. Những ngôi nhà hình ống có chiều ngang hẹp, chiều sâu khá dài, lợp mái ngói âm dương, hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mỗi ngôi nhà ở Hội An đều hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên, có giếng trời, khoảng sân trang trí cây cảnh, hòn non bộ.

Một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Hội An là nhà cổ Tấn Ký, đường Nguyễn Thái Học, ngôi nhà cổ đầu tiên được công nhận Di sản cấp Quốc gia, nơi từng đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà được xây dựng năm 1741, gắn bó với 7 thế hệ gia tộc họ Lê, có kiến trúc kết hợp phong cách của Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Vẫn mang kiến trúc hình ống chung, ngôi nhà đặc biệt vì được xây dựng theo kiểu “chồng rường giã thủ” gồm 2 thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho cho thiên – nhân và 5 thanh dọc tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc của ngôi nhà thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Hiện nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ nhiều cổ vật, hoành phi, liễn đối độc đáo. Trong đó, phải kể đến bộ liễn đối Bách Điểu, được giới khảo cổ coi là “độc nhất vô nhị”, được viết bằng 100 nét, mỗi nét là một con chim đang bay. Một cổ vật quý giá khác là Chén Khổng Tử. Ngoài ra, tại Hội An, du khách có thể tham quan một số nhà cổ nổi tiếng khác: nhà cổ Quân Thắng, Đức An, hay một số hội quán như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông.

Chùa Cầu là một trong những điểm du khách không thể bỏ qua khi đến phố Hội. Còn được gọi là chùa Nhật Bản, nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, ngôi chùa được các thương gia Nhật Bản xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII, theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Chùa Cầu dài 18m, cong cong bằng ván gỗ bắc ngang qua con lạch thông ra sông Hoài, có mái che lợp bằng ngói âm dương. Phía trên cửa chính có chạm nổi ba chữ Hán “Lai Viễn Kiều”, nghĩa là bạn phương xa đến. Phía trên cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt; đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

Chơi gì ở Hội An

Có hai thời khắc đẹp nhất trong ngày để ngắm phố cổ Hội An, đó là sáng tinh mơ và khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Buổi sáng, Hội An tĩnh lặng như tờ, đường phố vắng người, yên bình đến kỳ lạ. Phố ở Hội An đẹp thơ mộng bởi những giàn hoa rực sắc màu khoe dáng trước những bức tường rêu phong,  như tô vẽ cho Hội An thêm phần bí ẩn, quyến rũ. Dạo phố cổ buổi sáng thường mang đến cho du khách tâm trạng thoải mái, thư thả, đặc biệt khi nhấm nháp ly cà phê sáng ngắm nhìn phố cổ bắt đầu nhộn nhịp sức sống trong ngày mới. Cũng không có gì lạ khi nhiều du khách lựa chọn: Faifo Coffee, The Chef Café, Roastery Coffee – những quán cà phê có tầm nhìn đẹp từ trên cao để thưởng lãm một Hội An trọn vẹn.  Dạo chơi ở khu phố cổ Hội An, du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe, thuê xích lô, thong thả ghé các điểm khám phá yêu thích. 

Khi hoàng hôn buông xuống, phố cổ lại khoác lên mình sắc thái mới bởi những chiếc đèn lồng đủ màu sắc và hình dáng quanh các con phố, ngôi nhà. Vào ngày rằm hằng tháng, Hội An lộng lẫy với ánh sáng của đèn lồng, hoa đăng. Du khách có thể đi dọc con sông Hoài hay ngồi giữa chiếc thuyền nhỏ, chèo ra giữa sông, nhẹ nhàng thả từng chiếc đèn hoa đăng, ngắm nhìn những dãy đèn lồng lung linh đôi bờ và nguyện cầu điều bình an. Sông Hoài khi đó rực sáng, lung linh và hết sức thơ mộng. Dọc bờ sông Hoài là khu chợ đêm với những gánh hàng rong, những cửa hàng đặc sản, du khách có thể tha hồ thưởng thức chè bắp, bánh đập, hến xào, tào phớ… Tại Hội An, du khách có thể thỏa thích thưởng thức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền tại Nhà Biểu diễn Nghệ thuật Cổ truyền (số 66 đường Bạch Đằng), Trung tâm nghệ thuật Xứ Đàng Trong (số 9 đường Nguyễn Thái Học) hoặc khu vực cộng đồng gần bờ sông Hoài với nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc như: hô hát bài chòi, các tiết mục dân ca Quảng Nam, dân ca Trung Trung Bộ… được trình diễn như một điểm đến văn hóa thu hút du khách.

Hội An không chỉ mang đến cho du khách không gian hoài niệm mà còn có bề dày văn hóa, lịch sử đất và người Quảng Nam. Đến Hội An, khách sẽ khó lòng quên những chuyện kể về cuộc sống ở những khu phố cổ xưa, lắng sâu trong dấu tích văn hóa./.

Nguồn: baocantho.com.vn

Cùng chuyên mục