Non nước Việt Nam

Ðộc đáo tục cưới hỏi của người Pa Dí ở vùng cao Lào Cai

Cập nhật: 15/06/2018 10:06:38
Số lần đọc: 888
Lễ cưới của người Pa Dí mang nhiều nét độc đáo, đặc sắc ở vùng cao Lào Cai. Giống nhiều dân tộc khác, người Pa Dí cũng chọn người làm mối -“pù phoong” - đại diện cho nhà trai đi hỏi, tìm hiểu ngày sinh của cô gái để so tuổi và thỏa thuận với nhà gái về sính lễ, chọn ngày cưới. Đám cưới của người Pa Dí trải qua nhiều bước, trong đó có lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt.


Ông bà mối hướng dẫn cô dâu, chú rể bái lạy bàn thờ tổ tiên.

Lễ ăn hỏi - “kin lẩu nói” - diễn ra vào ngày lành tháng tốt. Nhà trai tới nhà gái tổ chức lễ ăn hỏi, họ chọn 2 người gánh lễ vật. Số lượng đoàn đi ăn hỏi phải là số chẵn (từ 8 đến 12 người). Các lễ vật mang theo được đặt trang trọng trên một chiếc bàn kê dọc phía bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Bên nhà gái cử một người đàn ông đại diện cho gia đình ra cắt tiết gà và cầm bát tiết cùng 3 chén rượu đặt trên bàn. Sau đó, người đại diện này đốt 3 nén nhang khấn mời ông bà tổ tiên về nhận lễ và chứng giám cho lễ ăn hỏi của cháu gái.

Lễ cưới truyền thống của người Pa Dí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có âm nhạc do đội kèn, đàn tròn thể hiện từ lúc đi đón dâu đến khi kết thúc lễ cưới. Gia đình nhà trai chuẩn bị ngựa hồng (buộc vải đỏ vào dây cương) cho cô dâu cưỡi ngựa về nhà chồng. Khi qua những con suối, người nhà trai phải cõng cô dâu để không bị ướt, trước ngực cô dâu luôn đeo một chiếc gương soi để đuổi cái xấu, đi đường tránh được điều dữ cho sau này. Cô dâu Pa Dí đội mũ mái nhà - biểu tượng đặc trưng, độc đáo của phụ nữ Pa Dí. Mũ hình mái nhà được làm rất tỉ mỉ và cầu kỳ, cấu tạo gồm nhiều bộ phận (miếng vải xanh búi tóc, dây buộc, que cài đầu “háng hổ lơ”, que chống mũ “phằn cầu”, dây bạc trước trán “tai hổ”, “tạp hổ”- trang trí đằng sau mũ, khuôn mũ mái nhà và thêm một dây vải để cuốn tóc); nếu là trang phục của cô dâu thì thêm một chiếc khăn phủ “sơ khín to” trên mũ.

Khi đón cô dâu vào nhà, ông bà mối nhà trai thực hiện nghi lễ hướng dẫn chú rể và cô dâu bái lạy bàn thờ tổ tiên. Sau nghi lễ bái tổ, cô dâu được dẫn vào buồng cưới và người lớn (được chọn tuổi) sẽ thực hiện nghi lễ trải chăn, trải chiếu cho cô dâu, chú rể với mong muốn họ sinh nở vuông tròn, có con nối dõi. Một đám trẻ nhỏ cũng được đưa vào phòng, cô dâu lấy xôi chia cho trẻ ăn. Đám trẻ con tranh nhau ăn tạo nên không khí huyên náo, vui vẻ. Người Pa Dí tin rằng, nghi lễ này sẽ giúp hai vợ chồng mới cưới sau này sẽ sinh con đủ đầy, gia đình sống hạnh phúc. Cỗ cưới của người Pa Dí thường có 8 - 10 món, trong đó có những món ăn truyền thống, đặc sản không thể thiếu như khâu nhục, canh đậu tương, gà luộc và nước chấm là tương ớt...

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT