Non nước Việt Nam

Hát lượn Cao Bằng

Cập nhật: 18/06/2018 08:50:03
Số lần đọc: 1051
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp nao lòng, mà còn sở hữu một kho tàng phong phú văn hóa dân gian truyền thống, trong đó có hát lượn. Những câu lượn giao duyên ở miền biên viễn thật say đắm, da diết, níu chân khách đường xa. Ai đã nghe một lần thì muốn đến xem và nghe hát mãi.


Nam, nữ thanh niên Cao Bằng hát lượn giao duyên.

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, đến những vùng quê non nước Cao Bằng, đâu đâu cũng gặp câu lượn, câu sli (lượn của người Tày, sli là cách gọi làn điệu tương tự của người Nùng); về cơ bản là lối hát giao duyên truyền thống. Đồng bào nơi đây hát dân ca quanh năm, nhất là vào mùa xuân và những khi nông nhàn. Với người hát, họ hẹn nhau trở lại trong các hội xuân năm sau lại lượn giao duyên với những khúc ca mới, đằm thắm hơn, tha thiết hơn: “Tiếng sli, tiếng lượn dài theo rừng, theo núi; Tiếng sli, tiếng lượn dài theo núi, theo sông!”… Người Tày - Nùng dùng lượn - sli là những khúc dân ca được xướng lên cao giọng để nhiều người cùng nghe. Do đó, lời lượn - sli thường cất lên trong dịp có ý nghĩa thiêng liêng nhất đối với đời sống lao động sản xuất và văn hóa, tinh thần của cả cộng đồng xóm, bản. Nam, nữ thanh niên dùng lượn để vui chơi giải trí, tả cảnh, thăm hỏi, làm quen và tỏ tình với nhau. Trước đây vào những đêm trăng sáng, những buổi đẹp trời của mùa xuân, trai gái thường tụ tập ở trong nhà, hay trên nương bãi cạnh bản để lượn với nhau. Sự phổ biến đó tạo nên nét đa dạng độc đáo của làn điệu lượn mang đặc trưng địa lý. Ở Hà Quảng, Bảo Lạc có lượn Cọi. Ở Thạch An, Phục Hòa có lượn Slương. Muốn nghe lượn Then hãy tìm đến vùng Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang. Đi về phía Đông đến thị trấn Đông Khê (Thạch An) có lượn Hai…

Khác biệt về địa lý, mỗi loại lượn lại có những nét đặc sắc riêng. Hầu hết các làn điệu lượn đều đặt theo thể thơ thất ngôn trường thiên (chữ thứ năm câu dưới bắt vần với chữ cuối câu trên), riêng lượn Slương theo kiểu thất ngôn tứ tuyệt. Lượn Cọi (hay còn có tên lượn Hội Bạn) có sự phong phú các thể loại hát giao duyên. Trong khi đó, lượn Nàng Ới thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ giàu chất thơ, giàu hình ảnh, với cách nói so sánh ví von ẩn dụ, ngoa dụ để thể hiện tình cảm con người. Đặc trưng của lượn Hà Lều là hát song ca mà tạo hai bè cao thấp trong câu hát, song vẫn bảo đảm ăn nhập, hòa quyện với nhau như tiếng gió reo vui, như tiếng vọng của núi rừng hùng vĩ để diễn tả cái tâm đắc từ nơi sâu thẳm của tâm hồn…

Có thể nói, hát lượn là một thể loại văn hóa tổng hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực mà trước hết là ngôn ngữ, thứ đến là văn tự, và thứ nữa là hình thức ngâm vịnh gồm nhiều làn điệu bằng lời. Điệu sli - lượn tha thiết, ngọt ngào, như hơi thở của cuộc sống với những nét đẹp ứng xử trong quan hệ gia đình, xã hội, mong ước về cuộc sống bình yên, hạnh phúc... Nghệ thuật hát dân ca giao duyên đang được người dân ở nhiều địa phương của Cao Bằng nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật quý giá.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT