Hoạt động của ngành

Phát triển loại hình du lịch nông thôn tại Thái Thụy (Thái Bình)

Cập nhật: 21/06/2018 09:42:29
Số lần đọc: 901
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch trong đó nông nghiệp, sinh hoạt, nghề truyền thống, cảnh quan…vốn chưa được xem là tài nguyên du lịch, giờ được sử dụng như những tài nguyên du lịch dành cho du khách tiếp xúc, trải nghiệm với đời sống nông thôn. Du lịch nông thôn là cơ hội mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn đó thông qua du lịch.

Tại Thái Thụy hiện có 2 làng nghề nổi tiếng, sẽ là một trải nghiệm thú vị đối với những du khách, là tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Đó là nghề làm nón truyền thống ở làng Quảng Nạp – Xã Thụy Trình, nghề rèn An Tiêm, làm hương Lai Triều tại xã Thụy Dương.

Đến với làng Quảng Nạp – xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị, hay cả các em nhỏ đang ngồi túm năm tụm ba giữa gian nhà ngồi khâu nón lá, tay thoăn thoắt nhưng miệng cười nói vui vẻ, lưu lại trong chúng ta một ấn tượng khó phai. Nghề đan nón lá của làng Quảng Nạp đã được lưu truyền từ bao đời - cũ mà mới, truyền thống mà hiện đại.

Hiện nay, thôn Quảng Nạp  có 384 hộ gia đình làm nón lá chiếm gần 20%  tổng số các hộ gia đình trong toàn xã. Làng nghề làm nón lá truyền thống phát triển, đời sống nhân dân trong làng Quảng Nạp được nâng cao, góp phần cải thiện mức sống của người dân nơi đây.

Thôn Lai Triều, xã Thụy Dương huyện Thái Thụy từ lâu đã được biết đến với nghề làm hương truyền thống. Là một xã thuần nông nhưng nghề hương đã trở thành một nghề chính, tồn tại song song với sản xuất nông nghiệp.

Hương thường được làm quanh năm nhưng làm nhiều nhất là vào khoảng tháng 9 âm lịch tới tháng 3 năm sau. Trong khoảng thời gian này, hương Lai Triều xuất ra thị trường khối lượng lớn để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên Đán và phục vụ lễ hội. Hương Lai Triều luôn có một hương vị đặc trưng riêng, rất thơm nhưng không quá ngào ngạt, một hương vị thanh khiết của thiên nhiên.

Mỗi làng mỗi nghề. Đối với người dân Lai Triều, làm hương không chỉ là một nghề làm lúc nông nhàn mà còn tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho mọi người. Tháng 8/ 2004, người dân Lai Triều vui mừng đón nhận bằng làng nghề truyền thống do UBNN tỉnh Thái Bình trao tặng.

Thôn An Tiêm, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thụy từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Theo tư liệu để lại, nghề rèn có từ năm 1288, khi Hưng Đạo Đại Vương lập doanh trại ở Lưu Đồn  (nay là xã Thụy Hồng) và tổ chức xưởng rèn chuẩn bị vũ khí cho quân đội. Trong 5 người đứng đầu xưởng rèn thì có tới 4 vị quê ở An Tiêm. Vì có công lao lớn đối với đất nước, cả 5 vị đều được vua Trần Nhân Tông sắc phong là “ Ngũ vị tổ sư nghề rèn”. Nghề rèn An Tiêm cũng bắt đầu từ đó.

Sản phẩm của nghề rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như dao, kéo, búa, liềm, đến những chi tiết máy móc phức tạp. Với trình độ tay nghề cao cùng với việc giữ gìn và phát huy thương hiệu được xây dựng từ trước đó, các sản phẩm của những bễ rèn Thuỵ Dân ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước.

Nghề rèn đã mang lại không chỉ công ăn việc làm mà còn mang lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của xã. Năm 2003, làng An Tiêm, xã Thuỵ Dân được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng làng nghề truyền thống. Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng, nghề rèn An Tiêm đang bước vào một tương lai tươi sáng, đầy triển vọng./.

Nguồn: thaibinhtourism.com.vn

Cùng chuyên mục