Gia Bình (Bắc Ninh) - Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Di sản được quan tâm trùng tu, tôn tạo
Di sản văn hóa không trực tiếp sản sinh ra của cải, vật chất nhưng nó gìn giữ nối tiếp mạch nguồn dân tộc và trong thời hội nhập việc chú trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chính là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch và phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng xã hội. Gia Bình có 67 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 57 di tích văn hóa cấp tỉnh và 10 di tích văn hóa cấp Quốc gia.
Những năm qua, các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo những di tích xuống cấp, mỗi năm, khoảng 5 di tích được hỗ trợ trùng tu. Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện huy động xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích hàng tỷ đồng. Nhiều di tích được nhân dân ủng hộ trùng tu như: Đình Yên Việt (Đông Cứu); đình An Quang, đình Môn Quảng (Lãng Ngâm); nghè Chi Nhị (Song Giang); đình Đoan Bái (Đại Bái)… Đặc biệt, ngôi đền nổi tiếng ở Gia Bình được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo phải kể đến là đền Cao Lỗ Vương. Ngôi đền tọa lạc trên khu đất rộng cao trên bãi bồi của sông Đuống, mặt hướng về Lục Đầu Giang, xung quanh là vườn cây, bờ bãi xanh tốt, thanh tịnh. Đến nay đền Cao Lỗ Vương được tôn tạo với nhiều hạng mục công trình: Tiền tế, hậu cung, tả vu, hữu vu…
Để nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, trước khi tiến hành việc tu bổ, tôn tạo, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương họp bàn thống nhất đưa ra kế hoạch, tuyên truyền, vận động người dân. Hội Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân, con cháu ủng hộ để tu bổ, tôn tạo đình, chùa địa phương và giám sát thi công. Phòng Văn hóa tham mưu thành lập Ban quản lý di tích cấp Quốc gia, trong đó Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Ban quản lý di tích cấp huyện ngoài nhiệm vụ đánh giá các hoạt động xung quanh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn quản lý di tích, thực hiện cắm mốc phân ranh giới. Hiện các di tích lịch sử văn hóa ở huyện Gia Bình không có tranh chấp.
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích chính là thể hiện lối hành xử văn hóa với di sản. Tuy nhiên, nhiều di tích sau khi được tôn tạo chưa phát huy được hiệu quả trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Đây vẫn là bài toán khó không chỉ của Gia Bình mà còn ở nhiều địa phương khác.
Chưa phát huy hết tiềm năng du lịch
Với hàng chục lễ hội mỗi năm, Gia Bình thu hút hàng nghìn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, trảy hội. Để thu hút du khách, Gia Bình có những định hướng cụ thể, trong đó tập trung vào công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng công trình phụ trợ; xây dựng các tour du lịch kết nối các điểm di tích lịch sử: Đền thờ Lê Văn Thịnh-Lệ Chi Viên-chùa Đại Bi-lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương-đền Tam Phủ… Mặc dù vậy lượng du khách về với Gia Bình còn rất ít, cũng chỉ tập trung vào dịp hội hè, lễ Tết, trong đó tập trung ở một số di tích lớn như: Đền thờ Lê Văn Thịnh, khu di tích Lệ Chi Viên…
Nguyên nhân của việc thu hút ít khách du lịch thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư; nhiều di tích xuống cấp… Bên cạnh đó, nhiều di tích chưa có những hướng dẫn viên, sản phẩm lưu niệm… nên không để lại được ấn tượng trong lòng du khách khi đến thăm, tìm hiểu.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa ở Gia Bình trong thời kỳ mới chính là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, phong tục, tập quán của du khách thông qua các di tích và lễ hội giúp du khách thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Vì vậy, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa vừa là xây dựng con người văn hóa vừa phát huy được tiềm năng du lịch tâm linh giúp con người hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội hài hòa, tốt đẹp vì thế cần được quan tâm đúng mức./.