Hoạt động của ngành

Thanh Hóa xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch

Cập nhật: 09/07/2018 08:33:20
Số lần đọc: 471
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch.

Khu du lịch Pù Luông

Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh cũng phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó xác định phát triển du lịch biển đảo trở thành sản phẩm mũi nhọn; phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và du lịch văn hóa trở thành sản phẩm có thế mạnh; phát triển du lịch tâm linh, du lịch MICE, du lịch làng nghề, lễ hội... trở thành những sản phẩm bổ trợ.

Từ những định hướng nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các khu du lịch biển như: Hải Tiến (Hoằng Hóa), Sầm Sơn, Hải Hòa (Tĩnh Gia)....tạo sự thay đổi căn bản về số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch, điển hình là khu du lịch biển Sầm Sơn với việc đưa vào khai thác dự án tổ hợp khách sạn 5 sao và sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế (FLC SamSon Beach & Golf Resort) là một “giá trị mới” mà du lịch Thanh Hóa tạo dựng được. Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô khá lớn, hệ thống dịch vụ được quy hoạch đồng bộ, có chất lượng cao đang chuẩn bị được đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Khu đô thị sinh thái, Khu du lịch ven sông Mã và Khu du lịch Cồn Nổi của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; các dự án du lịch sinh thái biển cao cấp ven biển huyện Quảng Xương của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và Công ty Cổ phần ORG... mở ra kỳ vọng phát triển cho ngành kinh tế du lịch Thanh Hóa không chỉ bởi tính chuyên nghiệp và đẳng cấp mà còn bởi khả năng thu hút khách du lịch quốc tế và khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển Thanh Hóa vốn bị “đóng băng” bởi những tháng mùa Đông.

Song song với đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo phát huy các các di sản phục vụ phát triển du lịch, một số di sản có giá nổi bật như: Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu...được quan tâm đầu tư phục hồi, tạo thành những điểm đến hấp dẫn du khách. Các lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với các di tích như: Lễ hội Lam Kinh, đền Bà Triệu, chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân)... được tổ chức và khai thác có hiệu quả, góp phần tạo thêm tính “sinh động” và hấp dẫn cho các di tích, bổ sung các dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở khu vực miền núi như: khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên... có những bước phát triển nhanh chóng và dần tạo được thương hiệu riêng. Loại hình du lịch này đã và đang thu hút một lượng lớn khách du lịch châu Âu đến với Thanh Hóa. Nơi đây có nhiều bản làng còn giữ nguyên nếp nhà sàn dân tộc với những phong tục tập quán đặc trưng của từng dân tộc Mường, Thái.... Đến đây, du khách được hòa mình với thiên nhiên, được tắm dưới những dòng suối trong vắt, được khám phá sự hùng vĩ và nguyên sơ của núi rừng, được trải nghiệm cuộc sống thú vị cùng với người dân. Ngoài ra, một số sản phẩm du lịch khác mà Thanh Hóa có lợi thế như: du lịch tâm linh, du lịch MICE, du lịch làng nghề, du lịch đường thủy... cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm và đưa vào phục vụ du khách. Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tăng trưởng khá, là một trong những tỉnh trong cả nước dẫn đầu về tốc độ phát triển du lịch, đó là thực hiện đón được 7 triệu lượt khách (xếp thứ 7 cả nước về khách du lịch), phục vụ 12,53 triệu ngày khách, tổng thu du lịch 8.000 tỷ đồng (xếp thứ 11 cả nước về tổng thu du lịch), toàn tỉnh hiện có 740 cơ sở lưu trú du lịch (xếp thứ 9 cả nước về số lượng cơ sở lưu trú du lịch) với 25.900 phòng đạt tiêu chuẩn (xếp thứ 10 cả nước về số phòng lưu trú du lịch).

Như vậy, có thể nói, việc phát huy thế mạnh về tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch chính là bước tạo dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là nỗ lực tạo dựng các giá trị mới, ấn tượng, hướng đến mục tiêu sớm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục