Quảng Ninh phát triển du lịch xanh bền vững
Du khách nước ngoài tham quan mô hình nông nghiệp tại phường Hưng Đạo, TX Đông Triều.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ tạo điều kiện phát huy những nét văn hóa địa phương, giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững. Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc với Vịnh Hạ Long, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, khu di tích danh thắng Yên Tử, di tích Bạch Đằng trong tổng số 614 di tích đã được xếp hạng.
Thế mạnh lớn nhất của du lịch Quảng Ninh là du lịch biển đảo với dải bờ biển dài, hệ thống tài nguyên du lịch biển liên hoàn, nối liền Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long, từ Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô đến Móng Cái... Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Lượng khách du lịch đến với Vịnh Hạ Long ngày càng tăng cao. Năm 2017, Vịnh đã đón gần 4 triệu lượt khách, chiếm khoảng 40% tổng lượt khách đến Quảng Ninh; trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 63% tổng lượt khách quốc tế đến Quảng Ninh. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long đã đạt khoảng 2,1 triệu lượt, trong đó có 1,45 triệu lượt khách quốc tế. Những con số này thêm khẳng định Vịnh Hạ Long luôn luôn là tâm điểm, là động lực phát triển các hoạt động du lịch của tỉnh. Với quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, Vịnh Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch đẳng cấp và bền vững.
Ngoài Vịnh Hạ Long, các khu du lịch ở Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái... cũng đang hút khách nhờ không gian thoáng rộng, hoang sơ, môi trường trong sạch rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Ngoài ra, hệ thống các tuyến đảo trên biển của Quảng Ninh còn được thiên nhiên ưu đãi những cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái phong phú có thể phát triển các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, ẩm thực, v.v..
Cùng với du lịch biển đảo, du lịch văn hoá tâm linh cũng là một trong những thế mạnh của Quảng Ninh. Trong số hơn 614 di tích lịch sử văn hoá, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích quốc gia, nhiều di tích cấp tỉnh, một số khu di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, như: Yên Tử, Bạch Đằng, đền Cửa Ông, khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều.
Phát huy những lợi thế nói trên, những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các nội dung và 56 giải pháp, dự án thành phần để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hoá các nguồn lực, đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch như: Khu kinh tế Vân Đồn, TP Hạ Long, TP Móng Cái... Một số sản phẩm du lịch như: Chèo thuyền nan, chèo đò ở Vịnh Hạ Long; chèo thuyền nan trước đình Cốc (TX Quảng Yên); mô hình du lịch làng quê Yên Đức và khu chợ quê, những ngôi nhà đặc trưng vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, làng chài, khu trò chơi dân gian tại Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều) được khách nước ngoài yêu tích. Quảng Ninh cũng đã nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) trong dự án phát triển xanh tại Vịnh Hạ Long cũng như thí điểm thực hiện thúc đẩy du lịch sinh thái tại xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn).
Đồng thời, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, giải pháp quản lý; chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án phát triển du lịch. Nhờ đó, nhiều quy hoạch điển hình đã trở thành những điểm sáng trong bản đồ du lịch, như: Quy hoạch vùng đệm Yên Tử; quy hoạch phát triển du lịch ở huyện Cô Tô, TP Móng Cái, TP Cẩm Phả; quy hoạch bảo tồn và phát huy các khu di tích trọng điểm, v.v..
Nhờ cách làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp hiệu quả, du lịch Quảng Ninh đang tăng dần vị thế. Đó là lực đẩy tốt giúp Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Theo báo cáo của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm 2018, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,46 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 12.787 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Lợi thế để phát triển du lịch bền vững thì đã rõ, nhưng Quảng Ninh còn gặp nhiều thách thức. Ông Phạm Ngọc Thủy chỉ ra một số khó khăn, như: Sự gắn kết giữa chính quyền và ngành Du lịch chưa nhiều, hạ tầng còn kém phát triển, người dân làm du lịch theo kinh nghiệm... Vì thế, trong thời gian tới, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung thông tin quảng bá tới người dân nhận thức rõ lợi ích của du lịch cộng đồng, quản lý môi trường bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch và chính quyền địa phương; xây dựng sản phẩm chuyên biệt, đặc sắc, hấp dẫn. Chỉ làm như vậy mới có thể phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.