Để “ngành công nghiệp không khói” Hoành Bồ cất cánh
Một góc mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch của gia đình ông Ân Văn Kim, thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ.
Để phát huy thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, vài năm trở lại đây, Hoành Bồ đã chú trọng đến phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách.
Thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa
Hoành Bồ sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên nhiên đẹp, nhiều hang động, có những ngọn núi có độ cao trên 1.000m vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, như: Núi Thiên Sơn (xã Hòa Bình); đèo Bút, thác Mây, núi Dìa (xã Đồng Sơn)... Đặc biệt, Hoành Bồ có trên 33.000ha diện tích đất rừng phòng hộ, trong đó có 115.595ha rừng đặc dụng mang tính chất rừng nguyên sinh còn bảo tồn được nhiều loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm.
Trong đó, phải kể đến Khu bảo tồn thiên nhên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với 15.595ha rừng đặc dụng mang tính chất nguyên sinh, 485 loài thực vật bậc cao thuộc 280 chi và 101 họ của các ngành thực vật. Trong đó có 5 loài được xếp trong Sách đỏ Việt Nam như: Trầm hương, gù hương, lát hoa, đại hải, ba kích… Hệ động vật rừng với 249 loài thuộc 79 họ và 28 bộ của 4 lớp động vật là: Thú, chim, bò sát và ếch nhái. Đặc biệt, trong 30 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như các loài: Khỉ vàng, báo gấm, chó sói, tê tê vàng, công, trĩ... Có những loài đặc biệt quý hiếm mà chỉ có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng như: Cây sao Hòn Gai; cá cóc …
Khu bảo tồn còn có hệ thống suối dày đặc và các thác nước tự nhiên trong rừng sâu; hệ thống đèo núi gấp khúc tay áo dài 10km vắt qua khu bảo tồn như một dải lụa lên đỉnh núi ở độ cao gần 1000m nhìn thấy toàn bộ TP Hạ Long.
Bên cạnh rừng đặc dụng có tính chất nguyên sinh còn có các rừng thông mã vĩ xanh mát hay những cánh đồng hoa truyền thống, trang trại hoa cao cấp, cây ăn quả ở thị trấn Trới, xã Lê Lợi, Sơn Dương, Dân Chủ...