Hoạt động của ngành

Hoàng Mai (Nghệ An) - Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Cập nhật: 20/07/2018 10:47:30
Số lần đọc: 1378
Với vị trí giao thông thuận lợi: có tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua, có tỉnh lộ 537 nối Hoàng Mai-Đông Hồi-Thái Hòa và các tuyến đường thủy nội địa: Sông Hoàng Mai, cửa biển Lạch Cờn... Hoàng Mai là cầu nối, là cửa ngõ nối với các địa phương vùng Bắc Trung bộ và khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Hoàng Mai có tài nguyên đa dạng, phong phú, có hồ Vực Mấu, hồ Đồi Tương, hồ Khe Bung và khoảng 10 hồ đập nhỏ. Hoàng Mai có thế mạnh về du lịch biển với 18km bờ biển trải dài từ Quỳnh Lập đến Quỳnh Liên với những bãi biển sạch, đẹp: Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên. Dọc theo bờ biển Hoàng Mai có nhiều khu rừng tái sinh, rừng ngập mặn, rặng phi lao xanh tốt, cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành thuận lợi để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng (resort), khu du lịch sinh thái, công viên…

Trên đất Hoàng Mai có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, có khả năng thu hút khách du lịch: Đền Hạ (Quỳnh Lập) thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đền Cờn (Quỳnh Phương) thờ Tứ vị Thánh Nương,đền Bình An, chùa Bảo Minh (Quỳnh Thiện), đền Vưu (Quỳnh Vinh) thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và nhiều di tích khác.

Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, Hoàng Mai còn có nhiều lễ hội dân gian, truyền thống: lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Hạ, lễ hội đền Phùng Hưng, lễ hội đền Xuân Hòa và những làn điệu dân ca hò vè, hát Ví, Giặm, ca trù… Đặc biệt, Hoàng Mai có nhiều đặc sản và món ăn ngon, rẻ, hấp dẫn khách du lịch như: tôm, cua, ghẹ, mực nháy, cá thu, cá nụ, cá đục… làng nghề truyền thống như nước mắm Quỳnh Dị, rượu làng Sòi (Quỳnh Lộc), nghề đóng thuyền Quỳnh Lập… 

Hiện nay trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có 19 cơ sở lưu trú với 385 phòng, 847 giường, trong đó có 1 khách sạn 4 sao (Mường Thanh Hoàng Mai), 1 khách sạn 1 sao.

Với những điều kiện, tiềm năng và lợi thế trên, tại Hoàng Mai có thể xây dựng những khu, điểm du lịch hiện đại tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh như: du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch hội nghị, hội thảo (Mice)…

Các hoạt động du lịch trong những năm qua: tắm biển, ẩm thực, văn hóa tâm linh... đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách thị xã, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trong ngành và ngoài xã hội, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác.

Bên cạnh những lợi thế về giao thông, vị trí địa lý và tài nguyên du lịch, thị xã vẫn còn hạn chế: cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc tổ chức các chương trình du lịch. Một số di tích lịch sử, văn hóa đang bị xuống cấp, nhưng chưa được trùng tu tôn tạo; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu...Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư của thị xã chưa được quan tâm, đầu tư nhiều kinh phí và nội dung nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch (ngoài tập đoàn Mường Thanh có khách sạn 4 sao).

Thị xã Hoàng Mai đang quyết tâm đưa du lịch Hoàng Mai phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững. Theo đó, một số giải pháp cho phát triển du lịch đang được thị xã đề ra và triển khai thực hiện:

Một là, xây dựng quy hoạch đô thị đến 2030, tầm nhìn đến 2050 trong đó định hướng phát triển du lịch của thị xã theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Hai là, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của thị xã, có tính khác biệt và sức cạnh tranh cao. Thu hút, kêu gọi đầu tư tại các bãi biển Đông Hồi, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, hồ Vực Mấu…

Ba là, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: quan tâm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ tiếp cận các điểm du lịch; thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các di tích, danh thắng như: cơ sở ăn uống, nhà hàng, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, hệ thống cứu hộ, cứu nạn, cảnh báo nguy hiểm, phòng chống cháy nổ…

Bốn là, xây dựng mối liên kết với các vùng, địa phương trong tỉnh, trong nước để thu hút du khách trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới độc đáo, riêng có của Hoàng Mai.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá điểm đến để khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch truyền thống: du lịch tắm biển, ẩm thực, du lịch làng nghề… Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội./.

Nguồn: dulichnghean.gov.vn

Cùng chuyên mục