Phát triển du lịch sinh thái tại đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương)
“Vương quốc” của các loài cò, vạc miền Bắc
Danh thắng Đảo Cò, tỉnh Hải Dương có diện tích 67 ha. Tâm điểm của hồ là Đảo Cò với diện tích 7.324 m2 trong lòng hồ An Dương 2,8 ha và một đảo mới hình thành năm 2007 là 3,5 ha. Đảo Cò hiện là nơi trú của khoảng 16.000 con cò, 6.000 con vạc như: cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen. Ở đây có nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Hồ An Dương là nơi trú ngụ của nhiều loài cá quý và các loại thực vật thủy sinh, hoang dã. Theo các nhà khoa học, đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn, được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở miền Bắc. Hiếm có nơi nào cò tập trung với số lượng lớn, mật độ dày, phong phú về chủng loại và gần gũi với con người như ở Đảo Cò Chi Lăng Nam.
Người dân nơi đây lưu truyền sự tích về vùng đất này. Truyện kể rằng, đầu thế kỷ 15, những trận đại hồng thủy khiến dải đê lớn ven sông Hồng 3 lần vỡ đê liên tiếp gây ngập lụt, cuốn trôi làng mạc. Sau đó, tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Theo thời gian, cây cối trên đảo xanh tươi, tôm cá từ các nơi đổ về. Từng đàn cò, đàn vạc cùng tìm về đây trú ngụ, sinh sản. Đảo cò là những dải đất giữa lòng hồ, nổi bật như những viên ngọc bởi những rặng tre xanh mướt. Vào mùa gió heo may, cả đảo với những chú cò trắng muốt. Cò bay về làm tổ từ tháng 9 cho đến tháng 4. Những ngày này, khách du lịch được ngắm những chú cò con vừa mới sinh ra đời, đôi chân chưa vững khi đứng trên những cành tre mềm mại.
Sáng sớm và chiều tối là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của đảo Cò. Đó là lúc cò bay đi kiếm ăn và kéo về tổ để nghỉ ngơi sau một ngày. Tiếng kêu của cò vang xa, tạo thành bản hoà tấu, khởi động một ngày mới hoặc kết thúc một ngày. Những cánh cò chao nghiêng trên mặt hồ trong xanh như một bức tranh thiên nhiên quyến rũ. Thời điểm 21-22h là lúc cò về nhiều nhất để đoàn tụ đến sáng hôm sau. Hồ An Dương không quá rộng, lòng hồ rất sâu, không bao giờ vơi cạn. Hồ có mạch ngầm nối ra sông nên có nhiều cá to. Nơi đây đan xen hài hòa với đền, chùa và các nghề truyền thống, là điều kiện phát triển vùng du lịch sinh thái đồng bằng Bắc Bộ.
* Tour du lịch sinh thái đồng bằng Bắc Bộ
Ngày 8/7/2014, Bộ VH-TT&DL xếp hạng Danh lam thắng cảnh Đảo cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) là Di tích quốc gia. Diện tích khoanh vùng bảo vệ Đảo cò xã Chi Lăng Nam là 67,1 ha. Danh lam thắng cảnh Đảo Cò là Di tích cấp quốc gia góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích cộng đồng. Đây là một cơ hội để thu hút sự đầu tư xây dựng Đảo cò là điểm du lịch hấp dẫn. Qua đó, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững với các điểm du lịch tỉnh Hải Dương và cả nước.
UBND huyện Thanh Miện vừa thành lập Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò (trước đây, Ban Quản lý do UBND xã thành lập). Ban Quản lý vẫn giữ nguyên các nhân viên nhưng hoạt động nền nếp hơn. Các hàng quán, dịch vụ quy hoạch sẽ về một địa điểm, không bán tự do, rải rác gây mất mỹ quan. Ban Quản lý cải tạo vườn tre, hệ thống cây cảnh, khu trưng bày mẫu vật… sẽ hấp dẫn du khách. Ban quản lý xây dựng đội ngũ hỗ trợ, phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn với mục tiêu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Diện tích khu vực mở rộng 2 ha, tăng diện tích dịch vụ du lịch, bổ sung 2 bãi xe, 1 bến thuyền...
UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng, kỹ thuật khu du lịch, bảo tồn sinh thái đảo cò. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quyết định dành nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch với kinh phí 45 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò. Dự án bảo tồn đảo Cò gồm mở rộng 2 đảo Cò hiện có (đảo 3A, đảo 3B), đắp đất tạo đảo mới (4C); kè gia cố bao quanh đảo để giảm hiện tượng xói mòn và sạt lở đất; trồng bổ sung cây tre trên đảo cũ và xây dựng tuyến đường giao thông quanh hồ An Dương. Hiện số lượng cò phát triển nhanh, diện tích Đảo Cò bị thu hẹp dần do đất xung quanh bị sạt, lở nhiều. Trung bình, có vị trí bị sạt mất 30cm đến 40cm/năm. Nhiều mảng đất sụt lở khiến các cây ven bờ trơ rễ, xơ xác, chìm xuống hồ.
Đảo Cò Chi Lăng Nam là một “viên ngọc quý” của vùng đất Thanh Miện. Nơi đây hình thành những hồ nước lớn xanh mát, tạo nên sinh cảnh độc đáo. Vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tà, trên bầu trời, từng đàn cò bay trắng tung bay tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Khu du lịch sinh thái Đảo Cò đón nhiều khách du lịch đến thăm quan. Giữa không gian thiên nhiên thoáng đãng, thanh bình, các du khách ngắm nhìn những đàn cò trên các cành cây, tận hưởng không khí trong lành, thanh bình. Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò, từ đầu năm 2018 đến nay, đảo cò đón trên 15.000 lượt khách tham quan. Trong số đó có 35 đoàn khách nước ngoài…