Tạo bản sắc riêng để khai thác “mỏ vàng” du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
ĐBSCL đa dạng về văn hoá mang tính chất riêng biệt là "mỏ vàng" thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Chưa xứng tầm
Khảo sát của ngành du lịch, cho thấy thời gian qua nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch và bước đầu đã có sự phát triển khá ấn tượng. Tuy nhiên nhìn xa hơn, thực tế việc khai thác vẫn chưa được kết nối một cách bài bản, còn thiếu chiến lược mang tính lâu dài về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước...
“Kết thúc năm 2017, ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL đạt doanh thu hơn 11.310 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng do thiếu nhiều dịch vụ tiện ích nên hiện du khách đến với khu vực này chi tiêu chỉ khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn 75% so với mức bình quân của du lịch cả nước. Mức tăng trưởng hàng năm du lịch của ĐBSCL cũng chỉ đạt khoảng 9%, trong khi các vùng du lịch khác luôn đạt hai chữ số”, ông Lê Văn Tám - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ nhận xét.
Theo các chuyên gia trong ngành, du lịch ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đã và đang phá hủy nhiều nguồn tài nguyên và gây khó khăn cho việc phát huy những tiềm năng du lịch tại đây. Từ thực tế này đòi hỏi ngành du lịch ĐBSCL cần có tầm nhìn mới, những giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững.
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Tầm nhìn hiện đại về du lịch ĐBSCL”, nhiều đại biểu đã đưa ra cảnh báo các tỉnh thành trong vùng cần sớm có một khuôn khổ cho sự phát triển bền vững của môi trường du lịch trong chiến lược vận hành tại đây. Tính bền vững không thể là giải pháp chữa cháy. Thực tế tài sản lớn nhất của khu vực là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học; sự tăng trưởng của số lượt khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng.
Phải mang màu sắc riêng
Định hướng phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới, ông Christopher Malone - Trưởng khối Phát triển kinh tế toàn cầu của Tập đoàn tư vấn Boston, cho rằng phải xây dựng sản phẩm du lịch tại đây mang tính hiện đại, cải thiện tình trạng lưu trú, chú trọng phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp - trải nghiệm văn hóa và ẩm thực gắn với bảo vệ môi trường. Ba chủ đề chiến lược để xây dựng, phát triển du lịch khu vực này trong tương lai sẽ bao gồm: “Nghỉ dưỡng trên sông”, “Safari ĐBSCL”, “Khám phá sinh thái - nông nghiệp”, trong đó phải làm sao cải thiện số lượng khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực, cũng như cải thiện được hạ tầng giao thông, nhất là kết nối đường bay.
“Mục tiêu đến năm 2030, Du lịch ĐBSCL sẽ phấn đấu đạt con số 6 tỷ USD, thu hút khoảng 5 tỷ USD đầu tư. Đạt được mục tiêu trên, ngay từ lúc này các tỉnh ĐBSCL cần có giải pháp giúp đảm bảo tài chính, có chính sách khuyến khích và xây dựng cơ quan xúc tiến du lịch cấp vùng”, ông Christopher Malone cho hay.
Hiện các tỉnh thành trong khu vực đã bắt đầu chuyển mình tự xây dựng những chương trình du lịch mới, phù hợp với thực tế vùng miền nhằm nỗ lực thu hút du khách. Cụ thể ngành du lịch Tiền Giang kết hợp đa dạng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng sông nước miệt vườn gắn với những địa điểm khu di tích lịch sử, loại hình du lịch homestay... nhằm tạo ấn tượng đối với du khách. Tỉnh Kiên Giang cũng quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải, U Minh Thượng - các điểm phụ cận và Phú Quốc, trong đó Phú Quốc được xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh. Còn tỉnh Đồng Tháp, với cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được thông xe sẽ kết hợp cùng Long An, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh phát triển du lịch với tuyến du lịch mới “Một hành trình, 3 điểm đến”...
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho rằng TP. Cần Thơ sẽ ưu tiên cho các sản phẩm du lịch khai thác văn hóa sông nước và hệ thống sản phẩm sinh thái, ẩm thực. Hiện thành phố đang hợp tác với Tập đoàn Novaland thực hiện tài trợ cho các dự án tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL được đầu tư trực tiếp tại Cần Thơ, Vĩnh Long... Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển vùng theo định hướng bền vững, tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như tạo thời cơ và động lực thu hút đầu tư, nối kết 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL cùng xây dựng những thương hiệu nông nghiệp, du lịch chất lượng cao./.