Đưa du lịch Đà Lạt trở thành một biểu tượng của văn hóa Đông-Tây
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn hai năm qua, Thủ tướng làm việc với Lâm Đồng - địa phương giàu tiềm năng về phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Sau hai năm thực hiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt theo Quyết định của Thủ tướng, Lâm Đồng đã ban hành danh mục 27 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố và công bố hai khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương và Đức Trọng, danh mục bảy dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung.
Tỉnh đã thí điểm xây dựng làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. Tỉnh cũng đã có tám thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng để triển khai các dự án xúc tiến đầu tư vào thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí dự kiến là hơn 48.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương bày tỏ ấn tượng với kết quả thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng hiện ở mức cao nhất cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành một mô hình trung tâm lớn của toàn quốc đối với một số mặt hàng nông sản là thế mạnh của địa phương như rau, hoa, nấm, dược liệu theo mô hình liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Lãnh đạo các bộ, ngành đề nghị Lâm Đồng cần có những định hướng phát triển mang tính đột phá hơn, phát huy mạnh hơn nữa lợi thế của thành phố Đà Lạt giàu tiềm năng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một hướng phát triển mới cho Lâm Đồng: “Niềm tin mới, phát triển mới, chen lẫn thách thức cũ và cần có bước đột phá.”
Thủ tướng cho rằng với quy mô kinh tế chiếm 1,4% cả nước cho thấy Lâm Đồng không còn là địa phương nhỏ bé trên bản đồ kinh tế Việt Nam mà đang chứng tỏ là địa phương giàu tiềm năng đang và đang nhanh chóng trở thành cực tăng trưởng của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước.
Thủ tướng nhận xét, với mức thu nhập bình quần đầu người trên địa bàn đạt gần 55 triệu đồng/người/năm, Lâm Đồng giữ vị trí là khá cao so với bình quân cả nước. Không chỉ có vậy, phần lớn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là từ nội bộ nền kinh tế, “không xuất khẩu hộ,” phản ánh tăng trưởng mang tính thực chất. Không chỉ liên tục thu ngân sách vượt dự toán, tỉnh còn có cách làm tốt về quản lý chi ngân sách, tiết kiệm chi.
“Lâm Đồng đã tiệm cận một số vùng kinh tế khu vực Đông Nam bộ,” Thủ tướng nói và vui mừng vì các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh đều đạt kết quả ấn tượng như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.
Thủ tướng hoan nghênh Lâm Đồng đã sớm có chủ trương phát triển nông nghiệp trên chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông nghiệp an toàn, đặc biệt tỉnh đã sớm bắt tay xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương để từng bước hình thành nên những thương hiệu nông sản uy tín như “Hoa Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành,” tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng, Đà Lạt khá hiệu quả, thu hút.
Trên cơ sở kết quả kinh tế xã hội đạt được của địa phương thời gian qua, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Lâm Đồng sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Trong tương lai không xa, Lâm Đồng sẽ không còn nhận trợ cấp mà có thể đóng góp trở lại cho ngân sách trung ương trong trung hạn.
Góp ý với địa phương trong hoạch định phát triển, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, khắc phục tình trạng chế biến, xuất khẩu thô như hiện nay để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thủ tướng đưa ra mô hình tam giác phát triển kinh tế của Lâm Đồng: nông nghiệp sạch, công nghệ cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và du lịch gắn với nông nghiệp.
Lưu ý địa phương khắc phục những bất cập về du lịch, Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng; khắc phục tình trạng tắc nghẽn, xuống cấp cơ sở hạ tầng; cân nhắc tốt hơn việc lựa chọn các nhà đầu tư khai thác tài nguyên du lịch đảm bảo có tiềm lực, khả năng nâng cao hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này. Cùng với đó, chấn chỉnh tình trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái, làm suy giảm giá trị thương hiệu du lịch Đà Lạt hay tình trạng cò du lịch làm xấu hình ảnh du lịch của địa phương.
Đáng chú ý, tỉnh cần tiếp tục tăng thời gian lưu trú của khách, tăng chi tiêu của du khách khi đến với địa phương, đưa du lịch của Đà Lạt “trở thành một biểu tượng của văn hóa Đông-Tây.”
Chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo địa phương về định hướng phát triển Lâm Đồng trong tương lai, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng xem xét lại chất lượng tăng trưởng chưa thực sự hài hòa, phát triển chưa ổn định. Lâm Đồng cần tăng cao quy mô, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phải “hòa mình vào làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.” Lâm Đồng phải “đi trước” ứng dụng thành công thành quả của cuộc cách mạng to lớn này.
Trong phát triển nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng gắn kết hơn nữa chuỗi liên kết sáu nhà, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh phải giải quyết tốt vấn đề đất đai và nhu cầu vốn cho người nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng phải chú trọng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quan tâm hơn nữa đến công tác giảm nghèo hiện vẫn còn ở mức khá cao; nâng cao chuẩn hóa giáo dục theo chuẩn quốc gia để “không ai bị bỏ lại phía sau.”
Thủ tướng cũng mong muốn địa phương tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân, xử lý rác thải; nghiên cứu, học tập những mô hình hiệu quả, phù hợp của các địa phương khác.
Từ nguồn lực đất đai của địa phương, Thủ tướng lưu ý Lâm Đồng phát huy các cơ chế hiện có để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa theo hướng tăng cường hình thức PPP; lưu ý phát triển theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững./.