Hoạt động của ngành

Đầm Hà (Quảng Ninh) phát triển du lịch xanh

Cập nhật: 06/08/2018 10:33:21
Số lần đọc: 1317
So với các trung tâm du lịch của tỉnh, Đầm Hà không được thiên nhiên ưu đãi nhiều về tài nguyên du lịch nhưng cũng đủ để phát triển “ngành công nghiệp không khói” của địa phương. Hiện nay, Đầm Hà đang thu hút đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ khách du lịch.


Bãi cát trắng mịn trải dài trên đảo Đá Dựng chưa được nhiều du khách biết đến.

Trong một buổi làm việc mới đây với đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp của Sở Du lịch, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, bên cạnh thế mạnh về phát triển nông nghiệp, địa phương đang thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đầm Hà sở hữu khá nhiều cảnh đẹp tự nhiên như: Thác Bạch Vân (xã Quảng An), rừng cò, núi Hứa (xã Đại Bình) và đặc biệt là đảo Đá Dựng, một hòn đảo hoang sơ, chưa bị tác động bởi con người...

Cùng với cảnh đẹp tự nhiên, Đầm Hà cũng có hệ thống di tích văn hóa tâm linh, đình, chùa, miếu, mang những nét văn hóa đặc sắc riêng gắn với đời sống sinh hoạt của người dân, có thể hình thành các tuyến du lịch tâm linh. Hiện nay, ngoài cụm di tích đình, chùa, miếu Đầm Hà, chùa Sâu, xã Dực Yên cũng đang được huyện Đầm Hà xây dựng là một điểm đến trong tuyến tham quan. Các điểm đến này đang nằm trong danh mục các dự án mà huyện kêu gọi đầu tư. Trong đó có những dự án đã và đang được nhà đầu tư triển khai. Cụ thể là thác Bạch Vân, xã Quảng An, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái của huyện Đầm Hà. Thác Bạch Vân có vẻ đẹp hoang sơ, với 5 tầng nước mát lạnh quanh năm, ẩn mình giữa núi rừng của xã Quảng An.

Điều đáng nói, thác Bạch Vân có cảnh quan khá đẹp, với nhiều khu rừng nguyên sinh, hệ thống sông suối và đồi núi hùng vĩ. Đồng thời, có các thung lũng nhỏ, phù hợp để phát triển thành khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, tắm, chụp ảnh lưu niệm... Đặc biệt hơn, thác Bạch Vân lại nằm ở thôn Tầm Làng, một thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao.

Hiện nay thác Bạch Vân đang được giao cho Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc (Đầm Hà) đầu tư và triển khai từ đầu năm 2018. Ông Hứa Như Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc cho biết, là một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện, ông nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của thác Bạch Vân là rất lớn. Công ty quyết định đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên kết hợp với sản xuất nông nghiệp, thời gian hoàn thiện khu du lịch này dự kiến khoảng 5 năm. Ông Hứa Như Anh cho hay, Công ty sẽ hoàn thiện từng hạng mục đầu tư và đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Được biết, trong quá trình đầu tư xây dựng, Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc sẽ chia theo từng hạng mục, như: Khu bảo tồn và phát huy văn hóa bản sắc dân tộc; khu vực ươm, trồng cây sim, chế biến sản phẩm rượu sim kết hợp du lịch trải nghiệm (ngắm hoa sim tím, chụp ảnh, tham quan và trải nghiệm cách ngâm rượu sim); khu vực ươm, trồng trà hoa vàng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm (ngắm cảnh trà hoa vàng, chụp ảnh, tham quan và trải nghiệm cách trồng, chế biến trà hoa vàng); khu nuôi cá tầm để du khách trải nghiệm câu cá và chế biến sản phẩm tại chỗ theo phong cách của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Khi đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái và khám phá thác Bạch Vân này sẽ kết hợp sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo thêm cảnh quan cho khu vực, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu địa phương. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các sản vật đặc trưng của địa phương và văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số hay giới thiệu sản phẩm truyền thống làng nghề đan nón Đại Hiệp và thêu tay áo, gấu quần của người Dao. Đây là hoạt động mang bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số Đầm Hà.

Cùng với thác Bạch Vân đã được đầu tư, để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, khu di tích lịch sử khảo cổ và danh thắng núi Hứa cũng đang được triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đường lên cột cờ, dự kiến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thiện. Ngoài ra, khu du lịch đảo Đá Dựng, xã Đầm Hà, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; Khu du lịch dịch vụ Đầm Hà Động, xã Quảng Lợi, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp du lịch văn hoá; du lịch trải nghiệm khai thác sá sùng cùng ngư dân xã Tân Bình; cụm di tích lịch sử đình - chùa - miếu Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà, xã Dực Yên... đang được huyện Đầm Hà đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.

Tại một cuộc khảo sát du lịch nhằm xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch huyện Đầm Hà mới đây, đoàn khảo sát của Sở Du lịch đã đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của các điểm tham quan của Đầm Hà. Đặc biệt, một số mô hình sản xuất nông nghiệp và các điểm tham quan ở đây có thể phát triển để trở thành những sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để xây dựng thành những sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, cần có sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư. Lãnh đạo huyện Đầm Hà cũng cho biết thêm, hiện nay, địa phương đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đầm Hà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với quy hoạch những điểm tiềm năng du lịch hấp dẫn, như: Đảo Đá Dựng, núi Hứa, trải nghiệm khai thác sá sùng cùng ngư dân, huyện sẽ tập trung phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của đình, chùa, miếu trên địa bàn, tạo thành tour du lịch đặc sắc, gắn kết với điểm du lịch của các địa phương lân cận. Phát triển du lịch đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để thu hút du khách đến, đây là sự khác biệt của du lịch Đầm Hà.

Hy vọng, trong một ngày không xa, du lịch Đầm Hà không còn ở dạng tiềm năng, đang được chờ khai thác. Đầm Hà sẽ thu hút được những nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có ở địa phương.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục