Hoạt động của ngành

Đảng ủy Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 7

Cập nhật: 08/08/2018 16:31:08
Số lần đọc: 735
(TITC) – Ngày 7/8/2018, tại Hà Nội, Đảng ủy Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Tổng cục Du lịch. Tới dự hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Phùng Minh Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Ngô Hoài Chung, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ ngày 7-12/5/2018 đã bàn về nhiều vấn đề trọng yếu của Đảng và đất nước. Kết thúc Hội nghị Trung ương 7 đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng gồm có: Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; và Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất cơ bản, cấp thiết nhưng đồng thời cũng là vấn đề lâu dài của Đảng ta, đất nước ta, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phát triển bền vững của đất nước trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.

Tại hội nghị, các đảng viên Đảng bộ Tổng cục Du lịch đã nghe đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương giới thiệu về nội dung cơ bản của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7.

Đối với Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh Trung ương đã nhìn nhận, đánh giá cụ thể về những kết quả đạt được những năm qua trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ các cấp, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Trên cơ sở đó cùng với những nhận định về tình hình quốc tế và trong nước, yêu cầu phát triển trong thời đại mới, Trung ương xác định quan điểm chỉ đạo là “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị…”. Đồng thời, “Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt…”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Giới thiệu về 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh để triển khai thực hiện cần chú ý tới 2 trọng tâm liên quan tới việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cấp… Và 5 đột phá liên quan đến việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chấm dứt tình trạng chạy chức chạy quyền; bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở đối với cán bộ; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đồng chí Trần Hồng Hà cho rằng, đối với cán bộ trong ngành Du lịch cần chú ý tới yêu cầu về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, thể hiện ở kiến thức hiểu biết sâu và rộng; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta; am hiểu về các vấn đề quốc tế, luật pháp quốc tế; khả năng làm việc độc lập và theo nhóm; khả năng giao tiếp, lễ tân theo thông lệ quốc tế; khả năng sử dụng ngoại ngữ...

Đối với Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, Trung ương khẳng định “Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Về một số điểm cải cách chính sách tiền lương, đồng chí Trần Hồng Hà cho biết, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang,  định hướng sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Đồng thời, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng…

Đối với người lao động trong doanh nghiệp, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương. Các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp…

Đối với Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Trung ương chỉ rõ: Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu đặt ra cần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. 

Nội dung cải cách chủ yếu tập trung vào xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu, điều chỉnh cách tính lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, cải cách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội…

Giới thiệu về các nhóm giải pháp, nhiệm vụ, đồng chí Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng là thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội. Trong đó, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, đổi mới công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, qua đó nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phùng Minh Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sau hội nghị này, các chi bộ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề sâu hơn về các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, lựa chọn các nội dung trọng tâm gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồng chí nhấn mạnh, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 mang tính đồng bộ cao, liên quan đến đổi mới, cải cách về tổ chức và cán bộ. Do vậy, trong quá trình triển khai các cấp ủy chi bộ, Đảng bộ cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ khi sắp xếp lại các đầu mối và bố trí cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch cấp ủy, đề xuất về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng chí cũng đề nghị các đảng viên trong Đảng bộ Tổng cục Du lịch cần chú ý đến yêu cầu về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, coi đây là một mục tiêu để rèn luyện phấn đấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong bối cảnh du lịch được xác định phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Truyền Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục