Độc đáo tục “siên cha” trong đám cưới của người Dao Đỏ ở Cao Bằng
Lễ cưới của người dân tộc Dao Đỏ thường tổ chức chủ yếu bên nhà trai (trường hợp lấy rể thì ngược lại) nên đoàn đưa dâu sang nhà trai trung bình 60 - 80 người, có khi 100 - 120 người. Đoàn nhà gái đưa dâu sang nhà trai gọi là đoàn “siên cha” hay “săn cha”, tức là đoàn thông gia. Bên nhà gái đã báo cho bên nhà trai số lượng người trong đoàn “siên cha” để nhà trai chuẩn bị cỗ bàn chu đáo. Sau khi đưa cô dâu sang, nhà trai tiến hành các nghi lễ đưa đón cô dâu theo quy định. Đoàn “siên cha” sẽ dự một bữa cơm đón tiếp thông gia tại nhà trai và khi ra về mỗi thành viên trong đoàn sẽ được nhà trai biếu thịt và rượu mang về. Tục lệ biếu thịt, rượu đoàn thông gia được gọi là tục “siên cha”.
Theo ông Lý Văn Sùng, dân tộc Dao Đỏ, xóm Tát Sâm, xã Thành Công (Nguyên Bình), việc chia rượu, thịt của tục “siên cha” được chia theo ngôi thứ: Ông bà, bác bá cô dâu biếu từ 5 - 10 kg thịt (trong đó, biếu ông bà nhất định phải có chân giò), 5 - 10 lít rượu; các cô chú, anh chị biếu 2 - 4 kg thịt, 2 - 4 lít rượu; họ hàng, hàng xóm khác mỗi người ít nhất từ 1 kg thịt, 1 lít rượu trở lên. Nếu đoàn nhà gái khoảng 60 người thì cũng phải mổ 4 - 5 con lợn, mỗi con nặng từ 70 kg trở lên. Có đám phải mổ đến hơn 10 con lợn mới đủ thực hiện tục lệ “siên cha”.
Có thể thấy, tục “siên cha” trong lễ cưới của người dân tộc Dao Đỏ là một hình thức “trả lễ”, bày tỏ sự biết ơn của nhà trai đối với gia đình, họ hàng của cô dâu đã sinh ra, nuôi nấng, dạy bảo cô dâu trưởng thành gả vào nhà trai. Mặt khác, người Dao Đỏ quan niệm việc cưới xin không phải là việc riêng của một gia đình mà cũng là niềm vui và trách nhiệm của họ hàng, cộng đồng, xóm làng. Vì vậy, mỗi khi có đám cưới, mọi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật, thức ăn, chia sẻ công việc với gia đình cô dâu. Đặc biệt, dù nhà trai xa hay gần đoàn nhà gái đều nhiệt tình tham gia đưa cô dâu về nhà trai nên việc nhà trai đáp lễ biếu mọi người thịt lợn, rượu khi họ ra về là thể hiện cách ứng xử “có trước, có sau” trong đời sống của người Dao Đỏ.
Do đặc điểm sinh sống dưới những thung lũng, phân bố dân cư không tập trung, đời sống kinh tế khó khăn, phương tiện đi lại không thuân lợi... nên mỗi đám cưới người Dao phải huy động nhiều người giúp đỡ cả vật chất và tinh thần do đó tục “siên cha” rất tốn kém. Đối với những gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn thì tục lệ này trở thành một gánh nặng vì ngoài 5 - 10 con lợn dùng để thực hiện tục “siên cha” thì cỗ cưới nhà trai thường kéo dài 2 - 3 ngày nên việc cưới xin của người Dao Đỏ rất tốn kém. Có những gia đình sau đám cưới phải mất 2 - 3 năm sau mới trả được hết nợ để lo riêng cho việc “siên cha” này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cộng đồng người Dao có sự cách tân tục lệ “siên cha” vừa đảm bảo việc gìn giữ, bảo tồn vừa phát huy phù hợp đời sống hiện nay. Chủ tịch UBND xã Thái Học (Nguyên Bình) Triệu Tòn Sinh - nơi 100% người dân tộc Dao Đỏ sinh sống cho biết: Hiện nay, tục “siên cha” trong đám cưới người Dao Đỏ vẫn được gìn giữ nhưng đã có những sự điều chỉnh phù hợp hơn. Đoàn “siên cha” không còn quá nhiều về số người như trước; số rượu, thịt chỉ còn mang tính chất tượng trưng không còn câu nệ cụ thể số lượng. Có gia đình nhà gái chỉ báo thực hiện tục “siên cha” với ông bà, cha mẹ cô dâu, không phải thực hiện với tất cả thành viên đoàn siên cha. Tục “siên cha” vì thế không như một số phong tục truyền thống khác đã dần mai một mà được duy trì, trở thành một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao Đỏ, góp phần làm phong phú thêm nét sinh hoạt văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.