Lễ hội "Chạy lợn" làng Diền (Hà Nội)
Sáng 01/02 (tức mùng 7 Tết Kỷ Sửu), tại thôn Duyên Yết (xưa gọi là làng Diền), xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), hàng nghìn người dân trong xã và các vùng lân cận đã đến tham dự và cổ vũ Lễ hội "Chạy lợn" do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Đây là lễ hội dân gian độc đáo mang nặng nghĩa tình quân dân xưa và nay, thuộc chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể lễ hội trên địa bàn Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cụ Phan Văn Lương, 81 tuổi, người Xóm 2 thôn Duyên Yết phấn khởi cho biết: Việc thành phố đầu tư phục dựng lại lễ hội "Chạy lợn" năm nay khiến dân làng rất phấn chấn. Năm xưa, lễ hội thường được tổ chức đều đặn vào dịp đón Xuân mới. Những năm chiến tranh, điều kiện khó khăn, lễ hội mai một đi nhiều, 5 năm làng mới tổ chức một lần. Hiện nay, đời sống đã ổn định hơn, dân làng mong muốn được tổ chức lễ hội 2 năm/lần. Việc làm này, trước hết là lễ Thành hoàng làng, tưởng nhớ đức Cao Sơn Đại Vương, thứ nữa là nêu cao niềm tự hào về truyền thống của địa phương, động viên phong trào thi đua trong các thôn làng.
Theo người dân địa phương, "chạy" ở đây có nghĩa là "chạy thật nhanh", "làm cỗ thật nhanh", "mổ lợn thật nhanh" với ý nghĩa muốn chớp thời cơ để còn hành quân đánh giặc. Cao trào của lễ hội là trường đoạn "chạy lợn", diễn ra ngay tại sân trước đình Thượng (nằm trong khu di tích Đình - Chùa Thượng đã được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 1999). Theo tục lệ, để chuẩn bị cho lễ hội, từ chiều 30 tháng Chạp âm lịch, nhân dân trong xã đã tiến hành làm lễ mở cửa đình với các nghi lễ: mộc dục, dâng hương, mặc áo Thánh, treo cờ hội, tống cựu nghinh tân. Chiều mùng 6 tháng Giêng, tại đình Thượng, các cụ bô lão làm lễ dâng hương xin phép được mở hội, mùng 7 "Chạy Lợn", mùng 8 tế tạ thần chức Lễ.
Từ sáng sớm ngày mùng 7, bà con tập trung thành đoàn rước lễ lên đình Thượng, dâng lễ tế Thần, xin Thánh được tổ chức lễ hội. Đi đầu đoàn rước là những người vác cờ hội đại, uy nghi, tiếp đến là các phường đồng văn, chiêng trống, bát âm; trai tráng mặc áo the, đội khăn đỏ mang theo đồ khí tự gươm giáo (bát bửu, búa rìu, long đao, cờ lệnh...). Kế đó là chủ tế mặc áo đỏ, đi trước hai hàng các cụ trong ban tế áo lọng tía; rồi đến kiệu rước cỗ chay (bánh trôi, bánh dày, chè lam...) đi cạnh là người cầm trống khẩu; cuối cùng là cũi lợn được sơn son thiếp vàng trên có cắm hương và lọng che do thanh niên khỏe mạnh khiêng. Trước khi diễn ra hội "Chạy Lợn", tại đình Thượng diễn ra tiết mục "Vật Lão" do 2 cụ ông cao tuổi, quắc thước, gia cảnh vẹn toàn trình diễn, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Năm nay, Ban tổ chức đã bố trí tại hồ nước trước đình Thượng ba sàn biệt lập cho 3 đội của 3 xóm trong thôn tham gia mổ lợn và bày cỗ. Ngay sau khi có trống lệnh, 3 xóm, hay còn gọi là giáp (trước năm 1945 là 5 xóm), mỗi xóm có một đội gồm 21 người được phân công đảm nhiệm các phần việc mổ lợn và bày cỗ, sao cho trong vòng từ 2-3 phút phải có một mâm cỗ đủ 9 đĩa dâng lên Thánh, với thủ, đuôi, bát tiết, các miếng thịt vuông vức khoảng 10 cm2 (tề mông, gàu o (ức), gàu bụng), cùng tim, phổi, bầu dục, lá lách... Và nhất thiết phải có lá mỡ chài phủ lên thủ lợn (ngậm đuôi) để trang trí mâm cỗ, mới được chấm điểm. Con lợn sau khi giết mổ phải trông còn nguyên vẹn (trừ cái thủ được mang vào tế Thánh), các vết mổ phải nhỏ, gọn, kín đáo. Con nào bị thủng ruột và mổ phanh để lấy ngũ tạng, vết mổ không gọn không được chấm điểm và cũng không được đem vào đình tế Thánh. Kết quả, đội của Xóm 2 thôn Duyên Yết đã giành chiến thắng tại Lễ hội “Chạy lợn”-2009, với kỷ lục mổ lợn, bày cỗ dâng Thánh chỉ trong vòng 1 phút 50 giây.