Non nước Việt Nam

Uống rượu bằng sừng trâu - nét đặc sắc trong Tết Khu Cù Tê của người La Chí

Cập nhật: 10/09/2018 09:29:45
Số lần đọc: 1143
Uống rượu bằng sừng trâu là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc La Chí, được lưu truyền từ bao đời nay trong các dịp lễ, tết hay cúng lễ, là một nghi thức không thể thiếu trong Tết Khu Cù Tê của người La Chí, thường diễn ra trong tháng Bảy âm lịch. Trong cuộc sống ngày nay với sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ, người La Chí vẫn giữ được những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của mình.

Cộng đồng người La Chí ở Hà Giang hiện có khoảng 12 ngàn người, phân bố ở các huyện: Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang và Xín Mần. Trước đây, người La Chí thường dùng sừng trâu thay thế cái chén, cái ly để uống rượu, từ đó mỗi lần cúng Tổ tiên hay các bài cúng khác luôn phải dùng sừng trâu để đựng và uống rượu hoãng thì tổ tiên ở cõi âm mới nhận được. Nên mỗi khi trong nhà của người La Chí có người đàn ông mất, họ mổ trâu để chia cho người xuống cõi âm có trâu cày ruộng. Khi mổ trâu, họ thường lấy phần đầu trâu dâng cúng, sau đó sừng trâu được đẽo gọt rất công phu rồi treo lên bàn thờ. Vì vậy, nhà nào có nhiều sừng trâu là nhà ấy thuộc dòng họ, gia đình bề thế. Vào ngày tết, các gia đình rửa sừng trâu bằng rượu cho sạch, rồi đổ rượu vào để uống. Trong các lễ cúng tổ tiên, thầy cúng bao giờ cũng vừa cúng vừa uống rượu bằng sừng trâu, bởi theo quan niệm của người La Chí, phải uống bằng sừng trâu thì tổ tiên mới đón nhận được.

Tìm hiểu về vai trò và ý nghĩa của sừng trâu trong mâm cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí, ông Lùi Chỉn Dùng, thầy cúng của dòng họ Lùi ở xã Bản Díu (Xín Mần), cho biết: Sừng trâu là vật rất linh thiêng của người La Chí, là vật kết nối giữa con cháu với tổ tiên như: Thay lời mời gọi tổ tiên về quây quần bên con cháu trong các dịp lễ, tết, giúp con cháu gửi lời nhắn nhủ tới các tổ tiên rằng “trong thời gian tháng Bảy âm lịch này không được đi lang thang, không đi xin ăn mà hãy về quây quần bên con cháu trong ngày lễ, tết”... Trong lễ cúng tổ tiên dịp Tết Khu Cù Tê, trên mâm có mấy cái sừng trâu, đồng nghĩa là gia đình đó thờ mấy ông trong 3 đời. Tùy theo các dòng họ trong làng, nhà đông người nhất thì có 5 đến 6 sừng trâu, ít nhất có 3 sừng. Nên những chiếc sừng trâu trên bàn thờ của người La Chí chỉ được dùng uống rượu khi cúng tế, còn trong ngày thường ăn uống giao lưu không được dùng những chiếc sừng trâu trên bàn thờ.


Du khách cùng uống rượu hoãng bằng sừng trâu với người La Chí (xã Bản Phùng, Hoàng Su Phì).

Hiện nay, việc uống rượu bằng sừng trâu của người La Chí đã gây được sự tò mò và thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu và trải nghiệm. Nên mỗi khi mổ trâu để bán không qua cúng tế, người La Chí thường gọt đẽo đôi sừng cho mượt và giữ lại để làm quà, giao lưu... Đồng thời để trưng bày, giới thiệu và quảng bá nét đặc sắc của dân tộc mình đến với các dân tộc khác tại các dịch vụ homestay ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Thắng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên tôi lên xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc con người nơi đây. May mắn vào đúng dịp tháng Bảy âm lịch, được trải nghiệm Tết Khu Cù Tê của người La Chí, tôi được uống rượu hoãng bằng sừng trâu, cảm giác rất ngon và được biết với người La Chí chỉ có những khách quý mới được mời rượu bằng sừng trâu, tôi rất cảm động sự hiếu khách và ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết của người La Chí nơi vùng cao biên cương này.

Tết Khu Cù Tê của người La Chí thường được tổ chức từ ngày 1.7 đến ngày 15.7 âm lịch hàng năm, vào dịp khi cây lúa, cây ngô đã lên xanh tốt ngoài đồng. Tết Khu Cù Tê có ý nghĩa cầu mong tổ tiên phù hộ cho ngô, thóc đầy bồ; trâu, bò đầy chuồng, béo tốt; con cháu khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, bản làng ấm no... 

Ông Vương Xuân Phú, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bản Díu (Xín Mần) cho biết: Uống rượu bằng sừng trâu của người La Chí là nét văn hóa được lưu truyền từ thời xa xưa của người La Chí, cũng là một trong những nghi thức không thể thiếu trong các bài cúng tổ tiên hay cúng quải, đặc biệt là trong Lễ hội Tết Khu Cù Tê... cần được bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống như vậy, đồng thời phải biết quảng bá, giới thiệu với các dân tộc anh em trong và ngoài nước, không để bị biến tướng và lạm dụng.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT