Câu đối tết, nét đẹp tao nhã ngày xuân
Một ngày đầu Xuân, vào tham quan gian triển lãm câu đối Tết tại Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), người xem như bị “thôi miên” bởi vẻ đẹp trí tuệ, uyên thâm của những câu đối Tết. Bên cạnh những câu đối được thể hiện trên giấy hoa hình chữ nhật truyền thống, các câu đối còn được thể hiện trên các chất liệu như gốm, lụa, vỏ trai biển, mành tre, quạt giấy... tạo nên sự đa dạng về kích thước, phong phú về hình dáng, màu sắc và “bắt mắt” người xem. Đọc câu đối mừng: “Phát huy nội lực, hợp sức mạnh toàn dân, đưa đất nước tiến nhanh cùng bốn bể/Thắt chặt kỷ cương, kết niềm tin cả nước, giữ cơ đồ đứng vững giữa năm châu” của tác giả Hoàng Ngọc Thắng (TP. Đà Nẵng), người xem cảm tưởng đó vừa như lời hiệu triệu hùng hồn, vừa là biểu thị ý chí quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm, câu đối “Tấm áo xuân giúp trẻ đơn côi, tình nhân ái bừng soi trong huyết quản/Gói quà Tết tặng người hoạn nạn, nghĩa tương thân toả sáng giữa dòng đời” của Ngô Nhất (TP. Đà Nẵng) như một lời nhắn nhủ, động viên người người hăng hái làm việc thiện, góp phần giữ gìn nét đẹp nhân ái và đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta từ hàng ngàn đời nay.
Trong thể loại câu đối thờ phụng, ngôn ngữ được chắt lọc ở từng con chữ, câu từ được tinh giản tối đa, nhưng ý nghĩa thì lan toả sâu rộng. Tác giả Nguyễn Văn Chương (tỉnh Bình Định) như “tóm lược” được “thần thái lịch sử” dân tộc Việt Nam và kinh kỳ Thăng Long khi viết: “Đại Việt kiên cường, bốn nghìn năm vững thế núi sông, giặc đến đường nào cũng bại/Thăng Long mở rộng, trăm thập kỷ tạo hình đô hội, dân chung một ý tất thành”. Còn tác giả Lê Trâm Thư (TP. Đà Nẵng) đã “thổi” vào câu đối của mình bằng những vấn đề thời sự hôm nay, mà vẫn phảng phất điều mong muốn của ông cha thuở trước: “Trên chính dưới liêm, cơ nghiệp Rồng Tiên bền vạn thuở/Ngoài hòa trong thuận, cõi bờ Hồng Lạc vững nghìn thu”.
Không gói gọn đề tài như ở thể loại câu đối mừng và câu đối thờ phụng, thể loại câu đối tức cảnh phong phú hơn về nội dung và sắc thái biểu cảm. Nếu tác giả Nguyễn Long (TP. Đà Nẵng) mong muốn đồng bào vùng cao sẽ “thay da đổi thịt” qua câu đối: “Mở con đường, đưa cái chữ đến với vùng cao, buôn vắng mường sâu bừng sắc mới/Bắc dòng điện, chuyển túi hàng về cùng miền núi, làng xa bản khuất tỏa hương xuân”, thì tác giả Khúc Hà Linh (tỉnh Hải Dương) đã gửi gắm ước mơ bình dị của mình về một môi trường sinh thái bền vững khi thể hiện câu đối: “Trong sạch môi trường quả ngọt hoa tươi, rừng non, rừng già đất thơm cò đậu/Cân bằng sinh thái bờ xôi ruộng mật, sông con, sông cái nước mát cá về”.
Để góp thêm một “món quà tinh thần” ngày xuân trong dịp cả nước đang hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, câu đối Tết 2009 còn dành một chủ đề cho sự kiện trọng đại này. Bằng những câu từ đầy nhiệt huyết, các tác giả đã thể hiện được “hồn thiêng sông núi” của quá khứ- hiện tại-tương lai hội tụ trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đó là câu: “Từ Thành cổ Hoa Lư: Giữa buổi phục hưng, tổ tiên họ Lý dời đô, dựng nghiệp... Di tích cổ Thăng Long... Dấu xưa vẫn đó/Tại Thủ đô Hà Nội: Trong thời mở cửa, con cháu Bác Hồ hội nhập, giao lưu... Công nghệ cao Hoà Lạc... Nét mới từ đây” của Nguyễn Thế Hùng (huyện Thạch Thất-Hà Nội); hay câu:“Kinh thành Thăng Long rực rỡ tinh hoa, ngàn năm trước vẫn tươi dòng máu đỏ/Thủ đô Hà Nội huy hoàng bản sắc, muôn tết sau đẹp mãi trái tim hồng” của Hoàng Hiếu Nghĩa (tỉnh Quảng Bình)...
Có người nói rằng, trong thời đại các phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ với nhiều loại hình nghe nhìn, giải trí hấp dẫn như hiện nay, câu đối khó có “đất sống”. Suy nghĩ đó có phần phiến diện. Vì cuộc thi câu đối Tết 2009 (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) không chỉ nhận được 1.150 câu đối tham gia của hàng trăm tác giả trên khắp mọi miền đất nước, mà gian trưng bày câu đối Tết vẫn hấp dẫn hàng trăm người “nam, phụ, lão, ấu” đến tham quan. Hòa vào dòng người đông đúc ấy, tôi hỏi cảm nghĩ khi xem triển lãm này thì bạn Nguyễn Ngọc Thu Lan, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tâm sự: “Sống ở phố xá từ nhỏ, xem sách báo nhiều nhưng em ít khi được đọc các câu đối. Xem các câu đối Tết trong triển lãm, em cảm thấy cách nhìn, tư duy của mình như được mở rộng thêm. Vì mỗi câu đối đã kết tinh cả trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của tác giả ở trong đó”. Còn bác Phan Văn Thuận, 72 tuổi, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm bộc bạch: “Câu đối là một trong những sản phẩm của trí tuệ đẹp nhất con người, đồng thời là “món quà tinh thần” rất giàu bản sắc văn hóa Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Do vậy, giữ gìn sự thanh cao, tao nhã của câu đối chính là giữ gìn một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt