Lễ hội rượu Việt và ẩm thực tại TP.Vũng Tàu
Đến dự lễ hội rượu Việt và ẩm thực, nhiều người ai cũng tranh thủ tham quan, và nếm thử một chút rượu. Tuy ít nhưng những ché rượu trái cây làm từ bưởi, từ dừa, từ ngô… như làm hồng thêm đôi má của chị em phụ nữ trong những ngày Xuân.
Lễ hội rượu Việt và ẩm thực là một trong những hoạt động hưởng ứng Khai hội Văn hóa – Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2009, nhằm tôn vinh những nghệ nhân, những làng nghề rượu nổi tiếng của Việt Nam, qua đó giới thiệu đến du khách và đông đảo quần chúng những đặc sản rượu dân gian theo từng vùng miền trên cả nước. Lễ hội rượu Việt và ẩm thực kéo dài đến hết ngày mùng 10 Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Năm nay, Lễ hội rượu Việt và ẩm thực có sự góp mặt của các nghệ nhân, các làng rượu nổi tiếng trong cả nước như: miền Bắc là sự góp mặt của rượu Làng Vân (Bắc Giang), Bó Nặm (Bắc Kạn), Vodka (Hà Nội), nếp cái hoa vàng (Phú Thọ), miền Trung có Bàu Đá (Bình Định), miền Nam phong phú hơn với rượu Phú Lễ (Bến Tre), Hòa Long (Bà Rịa – Vũng Tàu), Rượu Bưởi (Biên Hòa), Vang Romantic, Vang Đà Lạt… cùng với các món ẩm thực của Nhà hàng New Ô Quắn, Baseafood.
Mỗi gian hàng có một cách bài trí riêng, mang đậm chất vùng miền tạo cho người xem cảm giác được “chu du” qua những nền văn hoá khác nhau của đất nước. Ở gian trưng bày rượu nếp cái hoa vàng của Phú Thọ, người xem được thưởng lãm một không gian khá nhẹ nhàng với những chiếc bình hồ lô màu trắng khá bắt mắt. Gian trưng bày rượu bưởi Biên Hoà lại chinh phục người xem bằng sắc xanh và hương vị cay dịu của bưởi Tân Triều – một loại trái cây nổi tiếng. Ghé gian hàng rượu Bó Nặm (Bắc Kạn), người xem như được thấy vẻ đẹp của những giọt sương mai giữa núi rừng trong rượu Bó Nặm của người Dao sống ở vùng hồ Ba Bể. Đến gian hàng rượu Bà Rịa – Vũng Tàu, lại nghe câu vè truyền miệng được người sành rượu và người dân địa phương nhắc đến “Rượu Hoà Long ai đong nấy uống”, bởi chất lượng và hương vị rất riêng của của giọt rượu tinh khiết chắt lọc từ hạt gạo vùng đất Hòa Long (TX. Bà Rịa).
Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: “Khai thác được yếu tố văn hoá, đặc biệt là văn hoá địa phương và khéo léo đưa vào tour tuyến, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách. Đó là lý do để chúng tôi tổ chức lễ hội rượu và ẩm thực này. Ngày Xuân, có ly rượu, một vài nét bút thư pháp khiến cho người ta cảm thấy đi vào chiều sâu cảm thụ văn hóa dân gian, tục lệ cổ truyền của ngày Tết Việt. Chúng tôi đã mời một số đơn vị có sản phẩm rượu nổi tiếng trong cả nước như Bến Tre, Biên Hoà, Bình Định, Phú Thọ… để tạo sân chơi để các doanh nghiệp có cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để phát triển làng nghề, và qua đây, quảng bá, tôn vinh đặc sản rượu Hoà Long của địa phương”.
Những hương vị rượu khác nhau, với mùi vị rất riêng đem đến cho người xem những cảm nhận khác nhau khi được nếm thử từng loại rượu. Chị Phương Quỳnh, ở TX. Bà Rịa cho biết: “Trong những ngày Tết, rượu không thể thiếu với mỗi gia đình người Việt, nhưng nếu sử dụng chính rượu của người Việt mình làm sẽ ý nghĩa hơn. Tôi thích rượu bưởi Biên Hòa vì được chế biến từ bưởi, loại trái cây tốt cho sức khoẻ. Nó là loại rượu nhẹ, có vị ngọt dịu, hợp với phụ nữ”.
Khác với rượu bưởi, gian hàng rượu Hoà Long của Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút khá đông du khách đến tham quan và thưởng lãm, bởi hương vị và chất lượng. Làng rượu Hoà Long có từ thế kỷ 20, rượu Hòa Long ngon nhờ nguồn nước giếng khơi trong mát, ngọt lành. Chén rượu mới kề môi thấy nhẹ nhàng, thoải mái, rượu đến cổ cảm thấy vị ngọt, hơi thở ra nghe mùi của nếp, của hương đồng”. Hương vị rượu rất thơm, nước rượu trong vắt uống vào cay nồng nhưng có vị ngọt thanh của gạo”.
Góp mặt và tạo nên hương xuân cho lễ hội là các món ăn dân dã, đậm chất biển. Hai đơn vị này đã “trình làng” nhiều món ăn như: mực tẩm gia vị, cá mai tẩm mè (Baseafood Vũng Tàu); mực nướng, heo nướng (nhà hàng New Ô Quắn). Trong lúc nếm thử các loại rượu và món ăn đặc sản, du khách còn được thưởng thức nhưng câu vọng cổ do các thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh biểu diễn, trong một không gian đậm chất Nam bộ. Du khách cũng có thể đến gian hàng thư pháp để “xin chữ” đầu năm, cầu mong cho gia đình một năm đầy may mắn.