Kết nối các địa điểm du lịch sinh thái ở Tiên An, Tiên Phước (Quảng Nam)
Giàu tiềm năng
Đến hết đường bê tông, chúng tôi phải đi bộ mất gần 20 phút băng qua con đường mòn khá hẹp, xung quanh cây dại vẫn còn mọc um tùm mới đến được hang Dơi (thôn 3, xã Tiên An). Chính vì khung cảnh vẫn còn hoang sơ như vậy nên trong và ngoài hang cảnh vật rất đẹp. Ông Phạm Văn Quá - Trưởng thôn 3 chia sẻ, người xưa hay gọi đây là động thiên, bởi nơi này cảnh sắc vẫn còn nguyên vẹn, những tảng đá dựng đứng, gối đầu vào nhau như có bàn tay của “ai đó” sắp đặt. Nhìn mỗi góc, người ta đều thấy những hình dạng khác nhau. Xưa nay, người địa phương chỉ vào hang nghỉ mát, trú mưa mỗi lúc đi rừng về chứ không ai dám xâm phạm nơi đây, bởi vậy mà ở đây luôn mang điều gì đó huyền bí, thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan. “Nhưng cũng chỉ là những đoàn khách tự phát, họ đến rồi đi vì nơi đây không có dịch vụ gì để họ ở lại. Bản thân tôi cảm thấy tiếc vì cảnh hang Dơi đẹp như thế này mà đến nay vẫn chưa khai thác làm du lịch” - ông Quá nói.
Không riêng gì hang Dơi mà ở xã Tiên An, những địa điểm như hồ Thành Công, thác Ồ Ồ, cầu treo… cũng có cảnh sắc rất đẹp nhưng những năm qua, các đoàn du khách đến tham quan chỉ ở hình thức tự phát chứ chưa thực sự có tổ chức bài bản và mang lại nguồn thu du lịch cho người dân và địa phương. Theo thông tin từ UBND xã Tiên An, thực hiện đề án 548 được UBND tỉnh phê duyệt về “Phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025”, địa phương đã tranh thủ nguồn vốn, xây dựng kế hoạch hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kết nối các điểm du lịch sinh thái. Chủ trương kết nối các điểm du lịch nên địa phương xin kinh phí xây dựng tuyến đường dài 5km, đi từ hồ Thành Công (thôn 3) đến hang Dơi (thôn 3) rồi về lại thác Ồ Ồ (thôn 4). Ngoài ra, cũng có thể tính đến việc dựa trên những trục đường có sẵn, đưa du khách ghé vào nghỉ chân ở các làng thuộc khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đang xây dựng.
Tìm hướng khai thác
Để đi trước đón đầu, tạo ra sản phẩm du lịch khi cơ sở hạ tầng giao thông được hoàn thiện, UBND xã Tiên An vừa hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho 9 hộ dân sống gần khu vực hang Dơi trồng cây ăn quả, chủ yếu là thanh trà, để phục vụ du khách về sau. Sắp tới, địa phương còn triển khai việc trồng dừa xung quanh hồ Thành Công để tạo cảnh quan, thả cá giống xuống hồ để sau này mở dịch vụ câu cá, đầu tư các phương tiện giải trí như trò chơi đạp vịt trên mặt hồ, đạp xe đạp trên nước… Đối với điểm du lịch thác Ồ Ồ, tuy là cảnh đẹp nhưng nhiều thác khá dốc, nếu du khách muốn thám hiểm, đi xuôi - ngược thác sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, trong đề án phát triển du lịch, UBND xã Tiên An cũng định hướng xây dựng lối đi an toàn, có cáp vịn và những điểm dừng chân, nghỉ mát cho du khách.
Theo ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An, việc sở hữu những địa điểm sinh thái đẹp mắt là niềm tự hào của địa phương nhưng xã còn khó khăn nên những năm qua sự đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Thời gian tới, khi đề án 548 đã được UBND tỉnh phê duyệt và nguồn kinh phí sớm được đưa về đầu tư thì địa phương sẽ tập trung mọi điều kiện thực hiện các phần việc đã đề ra. “Học hỏi những địa phương khác khi làm du lịch, xã sẽ tập trung vào những vấn đề chính phục vụ du khách như “đến như thế nào; chơi gì; ăn gì; mang cái gì về”. Giải quyết được những câu hỏi đó thì mới có thể làm du lịch trọn vẹn được. Trước mắt, trong khi chờ nguồn vốn từ cấp trên đưa về để thực hiện các kế hoạch thì chúng tôi vận động người dân giữ nguyên hiện trạng những địa điểm nói trên và trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan. Trong tương lai, nếu được đầu tư bài bản thì Tiên An sẽ kết nối cùng với những điểm du lịch khác của huyện Tiên Phước như nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên… thành vùng du lịch miền trung du Quảng Nam” - ông Phát nói./.