Hoạt động của ngành

Độc đáo Tết cơm mới của đồng bào dân tộc vùng cao ở Lào Cai

Cập nhật: 19/09/2018 08:20:52
Số lần đọc: 584
Hằng năm cứ vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai lại tổ chức lễ mừng cơm mới.


Lễ ăn cơm mới của người Xa Phó ở Sapa. (Nguồn: dulichsapa365.vn)

Trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai, nghi lễ ăn cơm mới hay còn gọi là Tết cơm mới có ý nghĩa quan trọng nhất.

Nghi lễ này không chỉ hàm chứa một giá trị văn hóa độc đáo về tín ngưỡng, tâm linh mà còn thể hiện sự tôn vinh cây lúa - cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của các tộc người ở Lào Cai.

Lễ ăn cơm mới chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần trước khi bước sang mùa gặt tháng mười. Các gia đình hay cộng đồng làng bản thường thống nhất chọn một ngày đẹp đầu vụ thu hoạch lúa làm ngày tổ chức lễ tết để mừng thu hoạch, tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động tốt đẹp nhất lên các vị thần thánh cùng gia tiên, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Nghi lễ quan trọng nhất trong Tết cơm mới của các dân tộc Lào Cai là nghi lễ đón hồn lúa mới, hay rước hồn lúa mới về nhà.

Xuất phát từ quan niệm vạn vật đều có linh hồn và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “linh thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người. Vì vậy, trước khi tổ chức Tết cơm mới mỗi gia đình phải làm lễ đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà.

Người Dao thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” trước một ngày tổ chức Tết cơm mới. Người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ lên nương cùng con gái.

Khi đến nương, người phụ nữ này sẽ đi vòng quanh nương lúa, ở mỗi góc bà hái một bông, sau đó bà đi vào giữa đứng quay về hướng mặt trời mọc.

Bà cắm cây cọc tượng trưng xuống đất giữa nương và buộc mấy bông lúa vừa hái vào cọc nhằm giữ hồn lúa ở lại nương. Tiếp theo bà gặt các cây lúa xung quanh cọc từ trái qua phải và buộc lại trao cho các cô con gái mang về giã cốm.

Còn người Nùng Dín (Mường Khương, Bắc Hà) thường thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” rất sớm từ trước khi khi tổ chức bữa Tết hàng tuần, lúc đó người phụ nữ trong gia đình sẽ ra ruộng lúa tỉa những bông to vừa qua độ ngậm sữa sắp chắc hạt, hái khoảng 7-8 cum (bó lúa) đem về phơi khô.

Sau đó họ tách ra 16 bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ. Còn lại đem đập (tuốt) rồi giã thành gạo để nấu cơm mới trong bữa tết.

Trong khi đó, người Xa Phó lại thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” về nhà vào lúc sáng sớm ngày Tết cơm mới, người vợ (chủ gia đình) sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương gặt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi.

Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi họ cho rằng nghi thức đón “hồn lúa” về nhà phải diễn ra một cách bí mật. Khi gặt lúa, mặt phải quay về hướng Đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở. Đến sáng hôm sau, họ mới mang những cum lúa mới xuống tuốt, giã thành gạo nấu cơm mới để cúng tổ tiên.

Nghi thức của người Tày, Giáy thì giản đơn hơn, trước khi làm lễ cơm mới chủ nhà đi thăm đồng, chọn những thửa ruộng cấy lúa nếp tốt nhất để thu hoạch trước làm Tết “cơm mới.” Tùy lượng người trong gia đình và mức thu dự ước trong năm mà mỗi gia đình hái một lượng lúa lớn nhỏ khác nhau về làm cốm, nhưng thường không dưới 10 cum, tương đương với 20kg gạo cốm.

Điểm tương đồng trong văn hóa các tộc người thiểu số ở đây, đó là chủ thể thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa mới” chủ yếu là người phụ nữ, người vợ của gia chủ mang ý nghĩa tượng trưng cho “mẹ lúa” thì mới có thể mang “hồn lúa” về nhà; mục đích chung nhất của nghi lễ này là mang những cum lúa mới có “hồn lúa mới” từ trên nương, ruộng của gia đình về nhà.

Đây sẽ là thành quả lao động tốt đẹp nhất, lễ vật thành kính nhất mỗi gia đình phải chuẩn bị để dâng lên các vị thần thánh và tổ tiên trong ngày Tết cơm mới…

Mặc dù đều thể hiện thế giới quan, tín ngưỡng nông nghiệp tương đồng, tuy vậy, Tết ăn cơm mới đối với từng dân tộc vẫn có sự khác biệt nhất định về cách thức tổ chức, nghi lễ cúng, cách chế biến mâm lễ...

Sau khi đã rước “hồn lúa” về nhà, các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú và đa dạng, ngoài thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy, như các loại thịt gà, vịt, thịt lợn, thịt cá… thì đương nhiên không thể thiếu sản phẩm được làm từ những bông lúa mới, những bát cốm xanh, cốm mới đồ thơm phức đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên.

Kỳ công hơn, có dân tộc còn chế biến gạo mới thành bánh tròn, bánh dẹt để dâng cúng tổ tiên.

Việc thực hiện nghi thức cúng lễ cơm mới của các dân tộc có sự khác biệt khá rõ và thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc tộc người. Người Tày, Nùng, Giáy các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Băc Hà, Sa Pa, Bát Xát... khi cúng cơm mới, mâm lễ được đặt trước bàn thờ gia tiên.

Ngoài ra, các bàn thờ khác (thổ địa, bà mụ, cô hồn) cũng được chia phần thức ăn cúng cùng nhưng không cần đầy đủ các món ăn trong mâm cúng gia tiên và do gia chủ khấn lễ.

Người Xa Phó Lào Cai lại bày hai mâm lễ, một mâm cúng ma nhà được đặt ở mép cửa và một mâm cúng trời đất được đặt ở ngoài sàn. Ngoài ra, họ còn treo một bộ quần áo mới cùng khăn, các đồ trang sức, vòng bạc... gần đó.

Người thực hiện nghi lễ cúng cơm mới là thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống của tộc người, tiếp đó là đến nghi thức trao lộc cho anh em về dự lễ.

Thầy cúng của người Dao lại mời và đón các vị thần nhà, thần nông, thần thổ địa làm lễ tạ ơn vì đã giúp đỡ cho được một năm được mùa, hồn lúa giờ đây được về đầy đủ và đem theo nhiều hồn lúa con cháu...

Sự đa dạng trong cách thức thực hiện lễ cúng cơm mới không chỉ thể hiện nét độc đáo trong nền văn hóa truyền thống các dân tộc Lào Cai mà góp phần xây dựng một bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc thiểu số Lào Cai.

Ngày nay, ở xã Tả Van, Sa Pa cùng với việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng của người Giáy, Tết cơm mới đã được nâng lên trở thành lễ hội cốm của vùng. Hằng năm, vào ngày hội này rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, nghiên cứu./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục