Ninh Bình: Tiếp tục nâng cao năng lực làm du lịch cho người dân
Theo thống kê, tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch là khoảng 18 nghìn người. Tuy nhiên, thực tế số lượng lao động du lịch qua đào tạo, có trình độ vẫn còn ít, lao động chưa qua đào tạo còn nhiều. Các ngành, các địa phương mới chỉ quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trực tiếp, việc đào tạo lao động gián tiếp còn bỏ ngỏ. Lao động du lịch của tỉnh nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, yếu về kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ; lao động có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài hầu như không có.
Đồng chí Nguyễn Khắc Khoan, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Du lịch cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hàng năm, Sở Du lịch đã phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở các lớp học, tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch, quản lý các cơ sở lưu trú, lễ tân, buồng, bàn và người lái đò, xe điện...
Sau các lớp học, các khóa tập huấn, học viên đều được cấp chứng chỉ chuyên môn. Các lớp tập huấn được bố trí thời gian tổ chức vào mùa thấp điểm của du lịch nhằm đảm bảo sự tham gia đông đủ của người lao động.
Ngay trong tháng 8/2018 vừa qua, Sở Du lịch đã phối hợp với Trường Cao đẳng thương mại du lịch Hà Nội và các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ cho khoảng 600 người lái đò tại khu du lịch sinh thái Tràng An, Vườn chim Thung Nham, Tam Cốc - Bích Động và Thạch Bích - Thung Nắng.
Bà Đặng Xuân Hà, giảng viên Khoa Quản trị khách sạn du lịch là người trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn cho biết: Trong thời gian của lớp tập huấn, tôi cùng với người dân làm du lịch tại địa phương cùng trao đổi, truyền tải các nội dung về tổng quan du lịch Việt Nam và tỉnh Ninh Bình; kiến thức lễ tân và văn hóa giao tiếp ứng xử, tâm lý, phong tục, tập quán của khách du lịch; kiến thức tiếng Anh liên quan đến công việc.
Qua thời gian giảng dạy, tôi nhận thấy người dân địa phương rất ham học hỏi, tiếp thu nhanh kiến thức. Tuy nhiên, đa số người lái đò còn rất yếu về mặt ngoại ngữ giao tiếp, đây là một hạn chế lớn cần được khắc phục.
Bà Đinh Thị Liên, lái đò tại khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham rất phấn khởi khi được tham gia lớp tập huấn, bởi những kiến thức được giảng viên truyền đạt rất thiết thực và hỗ trợ tốt cho công việc hiện tại.
Bà Liên cho biết: Tôi rất thích và chăm chú nghe giảng phần nội dung về văn hóa giao tiếp ứng xử, tâm lý, phong tục, tập quán của khách du lịch.
Qua đó, tôi nắm bắt được phần nào tâm lý và đặc điểm tính cách của du khách quốc tế để áp dụng vào thực tiễn công việc thường ngày. Còn bà Chu Thị Loan, lái đò tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động lại rất hào hứng khi tham gia học phần kiến thức tiếng Anh.
Bà Loan cho biết: Tôi đã nhiều lần sững sờ khi khách Tây gặng hỏi. Vì xưa nay tôi đâu có biết chữ tiếng Anh nào, thế nên họ nói gì mình đều không hiểu. Tôi nghĩ mình làm lái đò ở một khu du lịch nổi tiếng cũng nên biết một số câu ngoại ngữ đơn giản để chào hỏi hay cảm ơn khách du lịch, thể hiện sự lịch thiệp và hiếu khách của con người đất Cố đô.
Trong định hướng phát triển ngành du lịch, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 đón 7,5 triệu khách du lịch trở lên; doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho trên 20 nghìn người lao động, trong đó trên 6 nghìn lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.
Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn về số lượng và chất lượng là một vấn đề cần được các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp du lịch đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc bổ sung nguồn nhân lực mới có chất lượng, đã qua đào tạo thì cần tiếp tục nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các lao động hiện có tại các khu, điểm du lịch.
Sở Du lịch, các huyện, thành phố cần mở nhiều khóa đào tạo, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ du lịch trực tiếp và gián tiếp; trang bị các kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách du lịch đối với lao động ở các khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước về phát triển nguồn nhân lực. Các cơ sở kinh doanh du lịch cũng cần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và ngoại ngữ tại chỗ cho lao động.
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến chế độ tiền lương phù hợp với công sức của người lao động để họ yên tâm làm việc; qua đó nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ta./.