Tiềm năng du lịch sinh thái đảo Bướm Hoa, Hà Giang
Nhắc đến Quang Bình, chắc hẳn khách thập phương sẽ không quên Lễ hội Nhảy lửa đầy huyền bí của dân tộc Pà Thẻn; nét du lịch cộng đồng tại thôn My Bắc (xã Tân Bắc), thôn Chì, thôn Chang (xã Xuân Giang) hay sức hấp dẫn của Lễ hội Đua thuyền truyền thống hàng năm tại lòng hồ Thủy điện sông Chừng. Trong đời sống tâm linh, có ngôi đình Bản Chún nằm ở chân núi Pá Thàng, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam được xây dựng hàng trăm năm trước, bao bọc, phù hộ cho dân bản mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an. Tận dụng lợi thế địa phương, với mong muốn tạo điểm nhấn cho quê hương, anh Phạm Đình Trung đã dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu và quyết định đầu tư hệ thống du lịch sinh thái đảo Bướm Hoa gắn liền với khai thác tiềm năng Thủy điện sông Chừng.
Ngược dòng mặt nước trong xanh, lấp lánh ánh nắng vàng dịu nhẹ vào một chiều Thu tháng 8, tôi thấy những ngôi nhà sàn của người Dao, Tày, Nùng nằm yên bình trên đôi bờ Thủy điện sông Chừng. Từ xa xa, những đóa hoa rực rỡ như vươn mình chào đón khách đến thăm. Vừa đặt chân đến khu du lịch sinh thái, tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh nên thơ của ốc đảo. Qua tìm hiểu, anh Trung cho biết: “Ý tưởng làm du lịch sinh thái đã nhen nhóm từ rất lâu, để bắt tay vào làm, anh phải đi tham quan, học tập ở nhiều tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc. Nhằm tạo sự riêng biệt, ấn tượng cho du khách, anh lựa chọn trồng chủ đạo loài hoa cánh bướm và lấy tên loài hoa này đặt cho đảo. Từ khu vực còn nguyên sơ, khi đặt nền móng xây dựng đầu tiên vào tháng 6.2018, nay gần 1 ha đảo Bướm Hoa khoác trên mình diện mạo vô cùng tươi mới, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho mọi lứa tuổi”.
Khu du lịch sinh thái đảo Bướm Hoa chính thức đi vào khai thác, hoạt động từ đầu tháng 9. Khách tham quan được trải nghiệm các dịch vụ như: Du thuyền trên lòng hồ Nhà máy Thủy điện sông Chừng; đến đảo hoa, thác Nặm Tráng, Đình Bản Chún, thăm nhà nổi nuôi cá lồng. Trong tương lai không xa, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, trồng thêm hoa và chong chóng phủ kín đảo; phát triển thêm dịch vụ các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc, cho thuê thuyền, đồ câu cá, bếp nướng. Để đảm bảo an toàn mọi hoạt động du lịch trên lòng hồ thủy điện, anh Trung đầu tư mua 2 cano mini và 1 thuyền máy, trang bị áo phao đưa đón du khách. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Sơn Lâm, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện sông Chừng hỗ trợ 6 thuyền Kayak, 1 thuyền máy chở khách. Đến thời điểm hiện tại, dù chưa mở cửa bán vé nhưng khu du lịch sinh thái đảo Bướm Hoa thu hút không ít người đến đây.
Nằm cách trung huyện Quang Bình 6 km và chạy dọc theo Quốc lộ 279, xây dựng hệ du lịch sinh thái dựa trên nguồn lợi rộng lớn đến 225 ha mặt nước Thủy điện sông Chừng, trải dài gần 15 km xung quanh địa phận thị trấn Yên Bình, xã Tiên Nguyên và Tân Nam là cách làm mới mẻ, độc đáo, tinh tế. Dù còn khó khăn, thử thách nhưng tin rằng với sự nỗ lực của bản thân, đảo Bướm Hoa của anh Phạm Đình Trung sẽ trở thành điểm đến lý tưởng. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển du lịch theo hướng bền vững.