“Đánh thức” thị trấn Phố Bảng - Đồng Văn (Hà Giang)
Ngôi nhà cổ với những chiếc đèn lồng luôn hấp dẫn du khách đến với thị trấn nhỏ Phố Bảng.
Từ trung tâm huyện Đồng Văn, đến Phố Bảng du khách phải đi ngược lại khoảng 20 km, qua thung lũng Sủng Là; rồi từ Quốc lộ 4C rẽ vào 5 km. Thị trấn Phố Bảng nằm gọn trong lòng núi cao, ẩn mình trong đá tai mèo xám xịt. Trước đây, Phố Bảng là trung tâm hành chính của huyện Đồng Văn, nhưng từ khi trung tâm huyện chuyển vào sâu trong nội địa (thị trấn Đồng Văn hiện nay) thì Phố Bảng đang trở thành thị trấn “ngủ quên” giữa núi rừng.
Phố Bảng có phần tách biệt và ít được biết đến hơn so với các địa danh khác trong hành trình chinh phục mảnh đất cực Bắc của du khách. Có lẽ vì vậy, đến giờ nó vẫn giữ được nét mộc mạc, hoang sơ và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông và Hoa sinh sống tại Phố Bảng. Lãng du trên con đường nhỏ của thị trấn, du khách không khỏi bất ngờ khi thấy những ngôi nhà trình tường mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa với mái ngói ống rêu phong bạc màu thời gian; cánh cửa gỗ mộc mạc, giấy Bản và chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước khung cửa mỗi nhà... Hiện nay, rất nhiều ngôi nhà cổ đã được thay thế bằng những nhà cao tầng, nhưng đâu đó vẫn vấn vương nét cổ xưa không thể thay thế được. Dường như ở Phố Bảng, mọi xô bồ của cuộc sống đều không thể chạm tới. Một Phố Bảng có phần đìu hiu với những nóc nhà lặng lẽ, nhịp sống chầm chậm của con người; một Phố Bảng sầm uất khoảng vài chục năm về trước giờ còn đọng lại sự bình yên và có sức cuốn hút kỳ lạ đối với bất kỳ ai “lỡ” đặt chân đến.
Đến với Phố Bảng, chúng ta còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào vùng cao mỗi dịp chợ phiên. Ở đây, mỗi tuần chỉ có một phiên chợ lùi. Họ đến chợ với váy áo xúng xính để bán, mua, gặp gỡ, cùng nhau uống chén rượu ngô men lá, nhâm nhi bát thắng cố nghi ngút khói. Không chỉ vậy, Phố Bảng còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đặc sắc, những đặc sản vùng cao như: Đậu xị, thịt treo, khâu nhục… đều có thể làm vừa lòng du khách. Vừa khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của núi đá, vừa thưởng thức ẩm thực ngon nức tiếng, bỏ xa những hối hả bon chen của cuộc sống thường nhật.
Đặt chân đến Phố Bảng, du khách luôn có cảm giác bình yên đến lạ, dường như nghe rõ cả tiếng lá rơi thật khẽ, thời gian như ngừng trôi… Nhưng đây lại là nơi phát triển giao thương sầm uất nhất nhì của huyện, đời sống người dân khá giả và đồng đều nhờ sự cần cù lao động, vươn lên gian khó. Người dân trong thị trấn chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác một số cây trồng truyền thống như ngô, Đậu tương; cây ăn quả như Lê, Mận, Đào. Ngoài ra, nhờ có khí hậu mát mẻ quanh năm, họ còn trồng hoa Hồng, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Ngay khi đặt chân tới đầu thị trấn sẽ bắt gặp một thung lũng với sắc hoa Hồng rực rỡ, hòa cùng những triền ngô xanh vươn mình trên mảnh đất nhọc nhằn, tạo nên bức tranh đầy màu sắc giữa xám xịt đá núi. Hoa Hồng Phố Bảng không to nhưng màu thắm và rất đẹp, tươi tắn như khí sắc lạnh của vùng cao nên rất được ưa chuộng. Những lợi thế thiên nhiên ban tặng đã giúp người dân thị trấn sản xuất, lao động đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, họ cũng khai thác tốt tiềm năng du lịch, thương mại để từng bước thúc đẩy kinh tế nội địa.
Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du lịch phát triển, hoạt động các ngành dịch vụ trên địa bàn thị trấn dần khởi sắc. Nhất là dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ và vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số khách đến tham quan thị trấn Phố Bảng ước đạt trên 3.500 lượt người. Hiện, huyện Đồng Văn đã xây dựng các kế hoạch nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của thị trấn; hướng xây dựng Phố Bảng trở thành một trong những điểm du lịch trọng yếu của huyện.
Nếu đã đặt chân đến Cao nguyên đá, du khách đừng vội lướt qua con đường heo hút dẫn vào thị trấn Phố Bảng. Hãy ghé chân và đánh thức “nàng công chúa” để cùng trải nghiệm những điều tuyệt vời từ mảnh đất, con người nơi địa đầu Tổ quốc./.