Huyện Vũ Thư (Thái Bình) - Điểm đến của du lịch trải nghiệm
Những năm gần đây, xã Hồng Lý (Vũ Thư) thu hút sự quan tâm của giới trẻ và những người yêu hoa bởi xã có cánh đồng hoa cải trải dài bất tận. Sắc vàng của hoa đã tô điểm cho bức tranh quê thêm sinh động. Vì thế, đây là điểm đến được nhiều người lựa chọn để chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc bên người thân, gia đình, bạn bè và thư giãn, tận hưởng không khí trong lành giữa một vùng thiên nhiên rộng lớn, đượm sắc vàng. Hoa cải Hồng Lý nở rộ và đẹp nhất từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Để phục vụ nhu cầu của người dân khi đến tham quan, chụp ảnh, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn mở rộng thêm nhiều loại hoa mới như: hoa hướng dương, hoa cánh bướm.
Ngoài những ruộng hoa nhiều màu sắc, xã Hồng Lý còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm; hệ thống đình, chùa, nhà ở và từ đường có niên đại từ 100 - 400 năm, hiện đang được sử dụng, giữ gìn và bảo tồn giá trị.
Cách vườn cải Hồng Lý hơn 10km, xã Bách Thuận là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn khám phá vườn cây ăn trái, cây cảnh, nếp nhà cổ. Toàn xã có 350ha cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, cây cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia, 13 nếp nhà cổ được xây dựng trên 100 năm cùng nền ẩm thực phong phú. Đến với xã Bách Thuận, du khách được hòa mình vào không gian trong lành với những cây xanh quanh năm tỏa bóng mát. Hoa quả sẵn có theo mùa với nhiều loại cây như: táo, bưởi, ổi, thanh long, xoài, nhãn… Bên cạnh đó, thực khách có thể thưởng thức nhiều món ngon nổi tiếng khắp vùng tại chợ Thuận Vi như: bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh tẻ, bánh trôi và những món ăn như: nem nắm, giò, chả…
Hồng Lý và Bách Thuận chỉ là hai trong số những điểm đến du lịch trải nghiệm của huyện Vũ Thư. Đặt chân đến mảnh đất này, nếu chỉ khám phá du lịch tại xã Bách Thuận, Hồng Lý thôi chưa đủ bởi Vũ Thư còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và đa dạng các làng nghề truyền thống. Toàn huyện có 73 di tích văn hóa được xếp hạng, trong đó có chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, trên địa bàn huyện có các lễ hội lớn, đặc sắc với nhiều loại hình hát, múa như: lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất), chùa Lạng (xã Song Lãng), đình Bổng Điền (xã Tân Lập), Sáo Đền (xã Song An) và nhiều lễ hội truyền thống khác… Về làng nghề truyền thống, toàn huyện có nhiều làng nghề lâu đời như: nghề thêu, nghề chế biến bún bánh, nghề mộc, nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nghề trồng cây cảnh.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, hàng năm số lượng khách du lịch đến huyện có khoảng trên 10.000 lượt người, trong đó có cả khách du lịch quốc tế. Nhiều du khách cảm thấy thích thú khi trực tiếp được trải nghiệm, quan sát ở cự ly gần và hòa mình vào đời sống của người dân địa phương thông qua các hoạt động: bắt cá, làm bánh, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch hoa màu và ăn, ngủ, nghỉ tại nhà dân.
Phát triển du lịch trải nghiệm nói riêng, du lịch nói chung, những năm qua, kết cấu hạ tầng đường giao thông vào các khu di tích lịch sử, các làng nghề của huyện đã được đầu tư nâng cấp. Huyện cũng đã chú trọng đến việc đầu tư, khai thác tài nguyên để tạo ra các sản phẩm du lịch trọng yếu như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp về phát triển không gian du lịch; thị trường và bản đồ du lịch… nhằm khai thác tiềm năng du lịch của huyện.
Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, công tác đầu tư tôn tạo khai thác và phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã được chú trọng. Song để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện, phát huy thế mạnh và tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, đưa du lịch huyện trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, thời gian tới sẽ tập trung khai thác sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa; lễ hội tâm linh; du lịch cộng đồng; làng nghề truyền thống… Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và lợi ích của hoạt động du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện; tôn tạo phát triển kết cấu hạ tầng; phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Vũ Thư đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sẵn có tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử, lễ hội đặc sắc cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, lòng hiếu khách của người dân địa phương, hy vọng rằng Vũ Thư sẽ là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian tới./.