Non nước Việt Nam

Tục buộc chỉ cổ tay của người Dao

Cập nhật: 31/10/2018 09:48:28
Số lần đọc: 995
Vợ tôi đã sinh đứa thứ hai. Lần này, khi con được ba ngày tuổi, tôi tự tay xe hai sợi chỉ màu xanh và màu đỏ để buộc vào cổ tay cho nó. Lần sinh đứa thứ nhất thì mẹ tôi làm cho. Người Mán thường làm vậy, nên tôi cũng làm theo. Thấy tôi xe sợi cẩu thả, mẹ tôi bảo: “Làm thế thì tình bố con bị chia lìa!”. Tôi phải làm lại theo đúng ý mẹ tôi. Vừa se sợi, tôi vừa hỏi tại sao phải làm thế?


(Ảnh minh họa)

Mẹ tôi kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một chàng trai người Mán nghèo lắm. Đã ngoài hai mươi tuổi mà chàng vẫn chưa có tiền để lấy vợ. Một hôm, chàng đi săn trong rừng và lạc đến một hồ nước trong xanh, sâu thẳm. Xung quanh vùng nước ấy là rừng cây tươi tốt. Khi mặt trời lên vượt qua đỉnh núi, ánh nắng chiếu qua tán lá, tạo thành một chiếc màn ánh sáng trông thật kỳ ảo. Cùng lúc ấy, có một bầy thiên nga trông như những dải lụa trắng uốn lượn trên bầu trời. Lúc sau, chúng chao cánh nhẹ nhàng đậu xuống ven hồ. Thấy lạ, chàng bèn bò đến gần để xem. Nhưng thật kỳ lạ, đàn thiên nga chẳng thấy, mà toàn là những thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đang nô đùa trong hồ nước.

Để thỏa sự hiếu kỳ, chàng bò đến gần hơn để xem trộm. Nhưng thật bất ngờ, trước mặt chàng là những đôi cánh thiên nga trắng muốt, từ đó tỏa ra hương thơm ngào ngạt làm chàng ngây ngất. Đến đây, chàng đã hiểu ra - đàn thiên nga chính là tiên nữ từ trên trời xuống tắm! Chàng nảy ra ý định sẽ giấu đi một đôi cánh. Chàng ngắm mãi, cuối cùng chàng chọn một đôi cánh nhỏ nhất, với những chiếc lông được ken lại mịn màng. Mặt trời lên đến đỉnh đầu cũng là lúc các nàng tiên tắm xong. Họ lấy cánh của mình rồi biến thành đàn thiên nga. Duy chỉ có một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp, dịu dàng nhất là không tìm thấy đôi cánh của mình. Họ giúp nhau tìm mãi, tìm mãi nhưng không thấy.

Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc họ phải gạt nước mắt để người em út ở lại, rồi tất cả bay về trời. Trời nhập nhoạng tối, tiếng hổ gầm vang động cả khu rừng. Cô gái sợ hãi nép vào khe đá. Cùng lúc đó, chàng trai xuất hiện. Chàng ân cần hỏi thăm cô gái, rồi cởi manh áo rách trên người mình cho cô gái mặc. Chàng trai đưa cô gái về túp lều của mình. Tối đó, họ nên vợ, nên chồng…

Thời gian thấm thoát thoi đưa, rồi họ có con với nhau. Một hôm chàng trai đi làm vắng, người vợ ở nhà đổ thóc ra phơi và tình cờ thấy đôi cánh của mình giấu trong đó. Nàng liền chắp cánh vào và bay về trời. Trước lúc về trời, nàng ôm các con vào lòng thổn thức và dặn các con rằng: “Khi nào bị bố đánh thì chạy ra tảng đá đầu làng gọi mẹ. Mẹ thả xuống hai sợi dây - một sợi màu đỏ, một sợi màu xanh. Sợi màu đỏ các con bám vào, mẹ sẽ kéo lên trời, còn sợi màu xanh dành cho bố”.

Dặn dò các con xong, nàng vỗ cánh bay về trời. Khi người chồng đi làm về, thấy vợ đã bay về trời, chàng ôm các con vào lòng than khóc cho cảnh chia lìa.

Một thời gian sau, chàng bực các con nên đã đánh chúng. Theo lời mẹ dặn, chúng chạy ra tảng đá kêu khóc gọi mẹ. Người vợ nghe thấy tiếng các con khóc, liền thả hai sợi dây xuống. Các con theo lời mẹ dặn bám vào sợi dây màu đỏ và được kéo lên trời. Người cha thấy có sợi dây màu xanh, cũng bám vào để leo lên giữ các con lại. Nhưng khi sắp bám được vào cổng nhà trời thì dây của chàng bị cắt đứt. Người vợ tuy rất thương chồng, nhưng vì chàng không có dòng máu của người trời nên không thể sống ở trên trời được. Nàng đành gạt nước mắt, cắt đứt dây để chàng trở về với đất. Người chồng chết và hóa thành cây lau. Trong ruột cây lau già có màu đỏ, đó chính là dòng máu của các con chàng.

Từ đó, người Mán mới truyền cho nhau, khi đẻ con được ba ngày lấy hai sợi dây màu đỏ và màu xanh xe lại buộc vào cổ tay cho con. Làm như thế thì tình cảm cha con sẽ không bị chia lìa.

    Trích tiểu thuyết "Vòng đời" của Nguyễn Văn Cự

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT