Hoạt động của ngành

Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2018

Cập nhật: 01/11/2018 08:42:26
Số lần đọc: 754
“Nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa khai thác hiệu quả, Lạng Sơn cần có các giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; ưu tiên, ban hành cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư về du lịch” là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2018.

Hội thảo được Sở VHTTDL Lạng Sơn tổ chức ngày 31/10, tại thành phố Lạng Sơn với sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, các Trung tâm xúc tiến du lịch của 7 tỉnh/ thành: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên; các doanh nghiệp du lịch đến từ Hà Nội và khu vực miền Bắc; đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn nhìn nhận: “Mặc dù toàn tỉnh có gần 600 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh như: Ải Chi Lăng, thành Nhà Mạc, Quần thể khu du lịch danh thắng Nhị Thanh- Tam Thanh….; 340 lễ hội lớn nhỏ khác nhau; nhiều địa danh đã đi vào thơ ca. Tuy nhiên, đến nay tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng. Du lịch Lạng Sơn chưa thể bứt phá ngay được”.

Đánh giá tình hình phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 30/10, nhiều lãnh đạo đầu ngành của Lạng Sơn cũng trăn trở về việc: “Khách đến Lạng Sơn ít lưu trú, do đó cần thiết phải xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn”

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời gian tới, trong đó có du lịch. Thủ tướng cho rằng Lạng Sơn có vị trí quan trọng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc với hơn 250 km đường biên giới, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng và Lạng Sơn- Hà Nội- TPHCM- Mộc Bài (Tây Ninh). Lạng Sơn cũng là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN, rất thuận lợi cho thương mại biên giới, hoạt động xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan.

Trong thời gian tới, Lạng Sơn phải gắn phát triển thương mại biên mậu với du lịch, phát huy lợi thế sẵn có từ những di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, đặc sản riêng có, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Phát triển kinh tế gắn liền với giữ gìn văn hóa xứ Lạng. Thủ tướng cho rằng: “Do du lịch Lạng Sơn còn chưa phát triển nên tỉnh cần chú ý tới cách làm để hình thành được chuỗi liên kết du lịch. Du lịch Lạng Sơn phải có nét riêng, tạo thế cạnh tranh khác biệt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng du lịch, nhất là khách sạn, các khu vui chơi giải trí, chứ không chỉ đi chợ Lạng Sơn rồi về”.

“Chúng tôi, những người làm du lịch, văn hóa của Lạng Sơn rất thấm thía các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Phúc Hà nói. Ông Hà yêu cầu Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn cung cấp đầy đủ, chi tiết những thông tin về du lịch, các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của tỉnh hiện nay. Trên tinh thần học hỏi, cầu thị, Sở VHTTDL Lạng Sơn sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo để tìm ra những giải pháp để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, giữ được nét văn hóa Xứ Lạng chứ không phải sao chép ở đâu đó đưa Lạng Sơn trở thành điểm đến du lịch độc đáo, khác biệt; kiến tạo thương hiệu du lịch Lạng Sơn trở thành một thương hiệu mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXHNV cho biết: “So với 1 năm trước, Lạng Sơn hiện nay khác hẳn, đặc biệt là ở các khu du lịch cộng đồng ở Hữu Liên, du lịch vùng biên mậu mà đoàn khảo sát gồm các nhà quản lý, xúc tiến du lịch, doanh nghiệp lữ hành, báo chí đã trải nghiệm, tìm hiểu thực tế”. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển du lịch thái, du lịch mạo hiểm mà ngành du lịch tỉnh đặt ra thì ông Phạm Hồng Long lo ngại việc các núi đá của Lạng Sơn trên đường từ Hữu Lũng, Chi Lăng… đang bị phá rất nhiều, bày ra ngay trước mắt du khách. Đưa ra hình ảnh: “Du lịch như ngọn lửa, có thể giúp chúng ta nấu chín bữa ăn nhưng lại có thể làm cháy ngôi nhà”, ông Long cho rằng Lạng Sơn cần đặc biệt chú ý để vừa phát triển kinh tế, phát triển du lịch, cải thiện đời sống cho người dân nhưng phải gìn giữ những tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Lạng Sơn, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững./.

Nguồn: baovanhoa.vn

Cùng chuyên mục