Hoạt động của ngành

Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 16/11/2018 08:31:45
Số lần đọc: 1022
Hiện nay, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang được coi là loại hình du lịch mang lại lợi ích kinh tế bền vững nhất cho các vùng có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) nằm cách trung tâm huyện khoảng 10 km về phía Đông Nam. Địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc và bị chia cắt mạnh bởi các khe suối; nơi đây, khí hậu trong lành, mát mẻ với 2 mùa chính là mùa nóng và mùa lạnh. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng cùng sinh sống; tạo nên sự đa dạng về văn hóa, đây chính là lợi thế lớn để xã xác định phát triển DLCĐ và tạo sinh kế cho người dân.


Du khách nghỉ tại “Cảnh Hà homestay”, thôn Suối Thầu 2, xã Bản Luốc.

Hiện, xã Bản Luốc đang tập trung mạnh vào phát triển DLCĐ tại thôn Suối Thầu 2, đây là nơi có nhiều địa điểm đẹp để trải nghiệm và khám phá như: Khu đồi chè, ruộng bậc thang… Cảnh Hà homestay, thôn Suối Thầu 2 là một trong những homestay được đánh giá cao về sự đa dạng hình thức trải nghiệm cũng như chất lượng các dịch vụ; với 14 giường và có sức chứa tối đa gần 40 người và giá dịch vụ được niêm yết 280 nghìn đồng/người, bao gồm: Ăn sáng, ăn tối và ngủ nghỉ. Tại đây, du khách có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như: Hái chè, gặt lúa, bắt cá, đi cày,… buổi tối cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây như: Múa chuông của người Dao, múa Bát của người Tày…

Chị Đặng Thị Hà, chủ homestay Cảnh Hà cho biết: Năm 2015, tình cờ có một số đoàn khách nước ngoài đến thôn tham quan và xin nghỉ lại gia đình; do khí hậu và thiên nhiên ở Suối Thầu khá đẹp nên họ muốn được trải nghiệm lâu hơn. Từ đó, tôi đã có ý muốn xây dựng homestay để phục vụ khách du lịch cũng như tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương. Sau đó, xã có dự án mở rộng loại hình DLCĐ và tổ chức cho các hộ đi học tập tại Sa Pa (Lào Cai). Gia đình tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để tu sửa lại nhà, xây dựng nhà vệ sinh và mua sắm vật dụng cần thiết. Hiện nay, vào thời điểm “mùa” du lịch, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình có thể thu về trên 30 triệu đồng. Được biết, gia đình chị Hà đang mở rộng xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động khu du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm với quy mô gồm: 2 nhà sàn, 20 phòng nghỉ, bể bơi,… có thể phục vụ từ 200 - 300 khách và những sự kiện lớn của huyện.

Theo tìm hiểu, từ năm 2015, những mô hình du lịch nhỏ đã bắt đầu được nhen nhóm tại một số thôn của xã Bản Luốc như: Suối Thầu 1, Suối Thầu 2 và đều là tự phát. Năm 2016, nhằm quản lý và phát huy tốt những lợi thế du lịch của địa phương, Bản Luốc đã xây dựng Đề án về phát triển du lịch. Cùng thời điểm đó, Suối Thầu 2 cũng là một trong 3 địa điểm trong huyện Hoàng Su Phì được Dự án Helvetas và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn CREP lựa chọn đầu tư thí điểm, hỗ trợ mỗi hộ làm homestay 80 triệu đồng để xây dựng, cải tạo. Do chủ yếu là khách nước ngoài, nên các hộ được hỗ trợ tập huấn về những kiến thức cơ bản như: Ẩm thực, văn hóa,... nhờ có sự hỗ trợ đó mà các dịch vụ tại homestay trong thôn Suối Thầu rất chuyên nghiệp, được du khách và các chuyên gia đánh giá cao.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Bản Luốc, cho biết: Khắc phục những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, người dân trong xã và đặc biệt là thôn Suối Thầu 2 sau khi được định hướng đã tập trung phát triển DLCĐ để khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng. Hiện, xã đã thành lập Ban Quản lý du lịch và có những quy chế cụ thể để phát triển bền vững loại hình DLCĐ này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cho các cháu nhỏ học văn hóa truyền thống của địa phương,… Để đẩy mạnh loại hình DLCĐ, xã đã và đang phối hợp xây dựng các tour du lịch với xã Thông Nguyên và các địa phương khác theo hình thức trải nghiệm; mở rộng các khu nghỉ dưỡng và đa dạng các dịch vụ …

Việc phát triển DLCĐ được đánh giá là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc bản địa. DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Mô hình DLCĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được thế mạnh văn hoá của các dân tộc, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, muốn DLCĐ phát triển bền vững cần phải giữ được nguyên gốc văn hoá bản địa; đó là giá trị cốt lõi của DLCĐ…

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục