Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, hiện nay toàn quận có 440 cơ sở lưu trú, 529 cơ sở dịch vụ ăn uống cùng hệ thống quầy hàng kinh doanh đặc sản, đồ lưu niệm, các siêu thị tiện ích, trung tâm thương mại, chợ truyền thống...
Bên cạnh đó, một số điểm đến phục vụ du lịch, dịch vụ mới cũng đã hình thành và đi vào hoạt động như: chợ đêm Sơn Trà, chợ du lịch Phước Mỹ, tuyến phố chuyên doanh ẩm thực hải sản trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn ngang qua phường Mân Thái và Phước Mỹ...
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, địa phương còn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ của các loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí...
Tại nhiều chợ, các tiểu thương và tổ quản lý chợ được học các lớp giao tiếp cơ bản bằng hai ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung nhằm nâng cao khả năng giao tiếp với khách du lịch nước ngoài.
Quận Sơn Trà cũng đã vận động người dân, các cơ sở dịch vụ lắp đặt camera giám sát cũng như đề xuất thành phố lắp đặt camera tại 22 vị trí trọng điểm nhằm quản lý hoạt động du lịch.
Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển (20 đợt/năm); tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng; xử lý, hạn chế vi phạm trong việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đồng thời triển khai mô hình “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn với 70 cơ sở tham gia. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến lưu trú và tham quan tại quận Sơn Trà đạt hơn 1 triệu lượt/năm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song sự phát triển nóng của thương mại, dịch vụ và du lịch cũng đặt ra cho địa phương những yêu cầu bức thiết trong việc tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ cũng như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.
Thực tế hiện nay, chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Số cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống phát triển nhanh, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nhân lực có nghiệp vụ.
Nguồn nhân lực bảo đảm cho quản lý du lịch còn hạn chế, công tác quản lý, phối hợp quản lý đối với các cơ sở dịch vụ mới phát sinh chưa kịp thời.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, thương mại trên địa bàn, thành phố cần kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển bán đảo Sơn Trà, các bãi biển và khu vực dọc bờ sông Hàn; trong đó, chú trọng phát triển du lịch hài hòa với bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Đồng thời, cần xúc tiến sớm hình thành các bãi đậu, đỗ xe; ngầm hóa hệ thống điện, cáp quang trên các tuyến đường, xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý bán đảo Sơn Trà, quy hoạch bãi đỗ xe và tổ chức loại hình xe điện đón, trả khách tại khu vực dưới chân núi bán đảo Sơn Trà nhằm tránh tình trạng kẹt xe vào những mùa cao điểm có đông khách du lịch.
Thành phố cũng cần xây dựng phố đi bộ khu vực cầu Rồng kết nối với các điểm tham quan văn hóa tâm linh, nhà truyền thống nghề cá An Hải Tây, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu; khu phố du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của khách nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng của Sơn Trà: hải sản khô, sản phẩm lưu niệm...
Ngoài ra, vận động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng hình ảnh “Nụ cười du lịch” qua phong cách phục vụ, giao tiếp lịch sự, nhiệt tình, chu đáo tại các cơ sở dịch vụ và lực lượng thi hành công vụ, hướng đến “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.../.