Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch các tuyến điểm dọc sông Đà
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm nhằm trao đổi, đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tại các tuyến, điểm du lịch dọc sông Đà, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý tiềm năng du lịch tại các địa phương. Tọa đàm cũng nhằm đánh giá vai trò của việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng; nêu các sáng kiến về xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch cũng như các giải pháp đặc thù trong việc phát triển sản phẩm du lịch đối với từng thị trường khách.
Dòng sông Đà kết nối các các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên với cảnh quan tuyệt đẹp, uốn lượn quanh những dãy núi kỳ vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn… trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu cho vùng đất Tây Bắc. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống ven sông như dân tộc Mông, Lự, Thái, Dao, Mường…; các điểm đến có giá trị lịch sử và tâm linh như đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Nàng Han - đền Linh Sơn Thủy Từ (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình)... cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch tâm linh, mở ra cơ hội thu hút du khách, cải thiện đời sống của người dân địa phương. Trên tuyến sông Đà đã bắt đầu hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận tải hành khách đường thủy, dịch vụ ăn uống, homestay, mô hình du lịch sinh thái, điểm đến tâm linh… Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà các địa phương sở hữu.
Đoàn khảo sát thăm nhà máy thủy điện Sơn La
Nhằm khảo sát và đánh giá tiềm năng du lịch, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên của các địa phương, từ ngày 5 – 10/11/2018, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch các tuyến, điểm du lịch dọc sông Đà để có cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch, phát huy và khai thác các giá trị du lịch dọc đôi bờ Đà giang. Từ thực tế khảo sát, các công ty lữ hành đều khẳng định tuyến du lịch này có nhiều cơ hội để phát triển, cảnh quan đẹp nhưng đang bị lãng phí. Điểm yếu lớn nhất là các tỉnh hầu như chưa có dịch vụ trên thuyền và ven bờ gắn liền với chuyến đi. Ngoài ra, các tỉnh cũng chưa có được nét riêng tạo dấu ấn cho mình. Bởi vậy, khi đi dọc sông cả trăm kilomet đường sông, du khách không tìm thấy được sự khác biệt giữa các địa phương, dễ gây cảm giác nhàm chán.
Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu tham dự tọa đàm gợi ý, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm. Người dân địa phương có thể tạo cảnh quan ven sông bằng cách trồng các loại cây ăn trái, hoa màu để du khách dạo chơi, chụp hình, ăn thử hoa quả. Khách cũng có thể trải nghiệm các hoạt động như mặc trang phục của các dân tộc, xem đánh bắt cá, học nấu các món ăn đặc trưng của vùng như trâu nấu lá lồm, xôi nếp cẩm... Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương; quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Hi vọng những đề xuất cụ thể này sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phong phú của tuyến, tạo sự chuyển biến căn bản và những bước phát triển bứt phá trong thời gian tới, góp sức đưa du lịch nơi đây phát triển tương xứng với tiềm năng.
Bài: Lam Phương; ảnh: Vũ Trình