Thanh Hóa: Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Du lịch đường sông là một sản phẩm có lịch sử khai thác khá sớm và là một trong những xu hướng du lịch thịnh hành hiện nay. Nói đến sản phẩm du lịch đường sông nổi tiếng, không thể không nói đến du lịch trên sông Danube thơ mộng giữa thành Vienna (Áo); hay trải nghiệm sự trầm tư, cổ kính của sông Spree (thủ đô Berlin, Đức); sự duyên dáng, cuốn hút của hàng trăm cây cầu trên sông Vitava (Cộng hòa Séc)... Ở Việt Nam, nói đến du lịch đường sông phải nói đến vùng đồng bằng sông Cửu Long với các tour nổi tiếng như bến Ninh Kiều, sông Mê kông; nói đến TP Hồ Chí Minh với các tour du thuyền trên sông Sài Gòn; TP Đà Nẵng với du lịch trên sông Hàn; cố đô Huế với Ca Huế trên sông Hương; thủ đô Hà Nội với các chương trình du lịch trên sông Hồng... Điểm chung của sản phẩm du lịch này là khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên (cảnh quan thiên nhiên đẹp) và tài nguyên nhân văn (các công trình kiến trúc, công trình văn hóa tín ngưỡng, các phong tục tập quán như lễ hội, ca múa, chợ nổi...); bên cạnh việc đầu tư một cách bài bản từ khâu xây dựng sản phẩm, quảng bá sản phẩm, thu hút các nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước và doanh nghiệp vào sản phẩm... Đồng thời, sản phẩm này có sự kết hợp, đan xen và kết nối giữa các hoạt động trên sông nước và trên đất liền, nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên và giá trị nó mang lại cho du khách là rất lớn.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên sông nước tương đối dồi dào, gồm 5 hệ thống sông chính gồm sông Mã, sông Hoạt, sông Yên, sông Bạng và sông Chàng. Trong đó, hệ thống sông Mã có “trữ lượng” tài nguyên du lịch lớn nhất, đã được đưa vào khai thác với tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Đây cũng đồng thời là cơ sở để tỉnh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch trên các sông lớn khác như sông Chu (đoạn tuyến từ thị trấn Thọ Xuân đến Khu di tích lịch sử Lam Kinh), sông Hoạt (đoạn tuyến từ Cụm di tích thắng cảnh Động Từ Thức đến cửa Lạch Càn), sông Bạng (chảy trên địa phận huyện Tĩnh Gia và qua một số di tích trọng điểm trên địa bàn) và các tuyến sông trên địa bàn TP Thanh Hóa (đoạn tuyến từ Khu Văn hóa lịch sử Hàm Rồng đến Núi Mật, chạy qua sông Hạc, kênh Bến Thủy, sông Nhà Lê).
Như vậy, phát triển du lịch đường sông ở tỉnh ta, một mặt, phù hợp với xu thế du lịch hiện nay, mặt khác, phù hợp với tài nguyên sẵn có. Việc phát triển loại hình du lịch này sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư. Qua đó, tăng cường giao lưu, liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh trong quá trình đầu tư khai thác, phát triển du lịch các điểm, tuyến du lịch đường sông. Đặc biệt, phát triển du lịch đường sông gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa đó, ngày 25/11/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch đường sông trở thành một trong những loại hình du lịch trọng điểm của tỉnh, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa; có hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng đảm bảo.
Để từng bước xây dựng và đưa vào
khai thác sản phẩm du lịch đường sông, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, lên đến
608.500 tỷ đồng, nhằm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, xây
dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực... Con số này đang
đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã, thành phố nơi có các hệ thống
sông chảy qua, một nhiệm vụ khó khăn là tìm giải pháp huy động các nguồn lực
đầu tư. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, từ đó, khuyến
khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, đầu tư phát
triển sản phẩm du lịch đường sông. Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được
nhấn mạnh thêm là phải xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc thù cho xứ
Thanh, một sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó là
các giải pháp về nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng đội ngũ thuyết minh
viên cho sản phẩm này đòi hỏi phải có trình độ, năng lực và kỹ năng tốt. Ngoài
ra, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường sông nước cho
lao động du lịch, cho khách du lịch và bảo đảm an toàn cho du khách trong quá
trình trải nghiệm sản phẩm du lịch đường sông cũng là nhiệm vụ không hề đơn
giản./.