Non nước Việt Nam

Hấp dẫn chợ phiên Hà Lâu – Quảng Ninh

Cập nhật: 04/12/2018 09:43:35
Số lần đọc: 2324
Là một trong 6 xã vùng cao của huyện Tiên Yên, Hà Lâu là xã duy nhất có chợ phiên. Chợ phiên Hà Lâu còn giữ được những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong vùng. Chính vì vậy, hiện huyện Tiên Yên đang từng bước phát triển chợ phiên thành sản phẩm du lịch độc đáo, vừa góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Cuối tháng 10 vừa qua, chợ phiên Hà Lâu chính thức được khai trương sau thời gian dài chuẩn bị. Vẫn là phiên chợ diễn ra vào các ngày chủ nhật hằng tuần có bày bán, trao đổi nhiều loại sản phẩm nông, lâm sản do người dân bản địa sản xuất, nhưng chợ phiên lần này đã được “khoác” một chiếc áo mới đầy màu sắc, sống động hơn. Bên cạnh các gian hàng, chợ tạo ra các điểm nhấn độc đáo thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến khám phá, như: Cung điện hoa, cầu treo Hà Lâu, điểm hẹn… Chỉ riêng trong ngày đầu khai trương, chợ phiên đón khoảng 7.000 lượt người từ khắp mọi miền trong, ngoài tỉnh tham quan, mua sắm. Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 phiên tổ chức liên tiếp, chợ đón trên 8.200 lượt người ghé thăm, trong đó phần lớn là khách du lịch.


Tìm hiểu được biết, chợ phiên Hà Lâu hình thành tự phát từ những năm 1965. Mãi đến năm 2001, xã đã đầu tư xây dựng khu nhà thương mại, dãy nhà lợp tôn ở thôn Bắc Lù, Nà Chang nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân địa phương. Nhận thấy chợ phiên Hà Lâu không chỉ là phiên chợ đơn thuần giao lưu, buôn bán, mà còn là nơi tái hiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ của các dân tộc, huyện Tiên Yên đã hiện thực hóa ý tưởng, xây dựng kế hoạch phát triển các phiên chợ thành điểm đến hấp dẫn, một sản phẩm du lịch độc đáo. Theo đó, huyện Tiên Yên và xã Hà Lâu chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên, nghiên cứu ý tưởng trang trí xung quanh khuôn viên đảm bảo sạch, đẹp và thẩm mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh khuyến khích, thu hút nhân dân tăng cường sản xuất các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của xã như: Gừng, địa liền, mật ong, gà Tiên Yên, ngan, ốc khe, cá khe, măng rừng, thuốc tắm, rượu men lá... cùng với sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Dao, Tày để đưa đến bán làm đồ lưu niệm, quà tặng tại chợ. Ngoài ra, huyện cũng thu hút và tạo điều kiện, khuyến khích các hộ kinh doanh ngoài địa bàn xã, các huyện lân cận của tỉnh Lạng Sơn đưa các mặt hàng nông sản, sản phẩm truyền thống dân tộc về hoạt động tại chợ.

Nhằm tạo sức hấp dẫn, níu chân du khách ở lại lâu hơn với chợ phiên Hà Lâu, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND xã đã thành lập các đội văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian và phục dựng, duy trì tổ chức tại chợ phiên các nghi lễ, trò chơi tiêu biểu: Lễ cấp sắc, lễ rước dâu - đám cưới; đẩy gậy, kéo co, cà kheo, cầu lông gà… Huyện cũng nghiên cứu tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách tại Hà Lâu, như: Khu trồng ớt xuất khẩu của doanh nghiệp Lý Hoài Sơn tại Bắc Buông Khe Chanh; mô hình trồng cây chanh đào tại thôn Bản Phai Nà Tứ; thăm nhà, sinh hoạt tập quán của người Dao tại thôn Co Mười; thăm nhà sàn của người Tày ở thôn Nặm Mìn; thác Nhì Thiu tại thôn Nà Hắc... Xã Hà Lâu cũng vận động các hộ kinh doanh mở cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc, chụp ảnh tại chợ phiên và các điểm gần chợ phiên như cầu treo, xung quanh khuôn viên chợ, điểm tham quan trên địa bàn...


Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Hiện huyện đang tập trung tuyên truyền quảng bá về chợ phiên Hà Lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, panô tấm lớn; từng bước kết nối với các hãng lữ hành về du lịch để đưa các tour du lịch đến chợ phiên Hà Lâu vào ngày chủ nhật hằng tuần, gắn với các điểm du lịch của huyện như phố đi bộ, thác Pạc Sủi, rừng ngập mặn Đồng Rui... Huyện cũng chủ động mời các địa phương lân cận về giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao tại chợ phiên Hà Lâu như xã Châu Sơn, Bắc Lãng huyện Đình Lập (Lạng Sơn), huyện Bình Liêu... Giai đoạn 2018-2020, UBND xã Hà Lâu cân đối để chi đầu tư, tổ chức và duy trì các hoạt động chợ phiên; huy động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư mở các dịch vụ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.... Sau năm 2020, việc duy trì và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao giao cho Ban Quản lý trực tiếp quản lý, xã hội hóa việc tổ chức các hoạt động.

“Thông qua các hoạt động được tổ chức vào mỗi dịp chợ phiên giúp bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn; phát huy hiệu quả lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên của địa phương; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bằng các dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Như vậy, chợ phiên Hà Lâu trở thành sản phẩm du lịch trong nay mai sẽ là trợ lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2019”./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT