Lào Cai: giữ làn điệu dân ca Giáy
Các thành viên Đội văn nghệ thôn Làng Toòng say mê tập luyện.
Chỉ với những động tác xoay vòng, uyển chuyển nhún nhảy, bước đi cùng sự kết hợp khéo léo của đôi tay nhưng mỗi bài múa lại thể hiện nhiều mong muốn, ước vọng của người dân. Đơn cử như điệu múa xòe tay thể hiện quá trình lao động trong ngày mùa. Các công đoạn làm đất, gieo hạt, chăm sóc và thu hái được thể hiện đầy ý nghĩa qua những bước đi, những đôi tay mềm mại đưa lên hạ xuống, từ đó gửi gắm ước vọng vào một vụ mùa bội thu, cơm no áo ấm, cuộc sống đủ đầy.
Ngoài những điệu múa truyền thống, thì hát dân ca cũng được các thành viên miệt mài sưu tầm và tập luyện. Theo bà Lò Thị Dủn, một trong những người yêu thích và đam mê dân ca Giáy, thì những làn điệu dân ca Giáy đều chứa đựng rất nhiều nội dung, ý nghĩa. Đó là những ca khúc ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước, những khúc hát giao duyên độc đáo, thể hiện tình cảm, nỗi nhớ thương nam nữ hay ca ngợi ân nghĩa vợ chồng…
Không biết đội văn nghệ được thành lập khi nào vì người dân ở đây bao đời nay vẫn thường xuyên ca hát những làn điệu dân ca Giáy và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không kể già, trẻ, trai, gái, ai có niềm đam mê là xin gia nhập vào đội. Dù công việc nghề nông còn nhiều bề bộn, vất vả nhưng khi có chương trình cần biểu diễn trong mỗi dịp lễ, tết, các thành viên trong đội văn nghệ lại hăng hái, say mê luyện tập.
Ngoài đội văn nghệ có 15 thành viên, thôn Làng Toòng còn duy trì được đội kèn pí lè gồm 5 thành viên chơi các nhạc cụ như kèn pí lè, chũm chọe, trống. Những nhạc cụ này không thể thiếu trong các điệu múa của người Giáy. Theo ông La Văn Giàng, một trong những thành viên có thâm niên trong đội kèn của thôn thì từ xa xưa, ông cha có tục thổi kèn pí lè không chỉ trong những ngày lễ, tết mà còn sử dụng trong các sự kiện trọng đại của cuộc đời mỗi người, như mừng đầy tháng, cưới hỏi, ma chay... Đặc biệt, trong các dịp hội hè, hoạt động văn nghệ của thôn, xã, huyện, đội kèn pí lè lại được trưng tập để biểu diễn, hỗ trợ các thành viên trong các điệu múa truyền thống của dân tộc.
Quang Kim là xã vùng thấp của huyện Bát Xát. Với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, sự giao thoa văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, những người lớn tuổi am hiểu bản sắc văn hóa dân tộc không còn nhiều, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với các làn điệu dân ca, dân vũ cũng là những rào cản không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy các làn điệu truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, trong những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm, động viên người dân thành lập các mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ bản sắc dân tộc cũng như tổ chức các lớp truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ để các làn điệu dân ca, dân vũ không bị mai một, thất truyền.
Việc duy trì và phát triển những đội văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc như thôn Làng Toòng là việc làm cần thiết nhằm tạo sân chơi cho người dân địa phương, cùng gặp gỡ, giao lưu, động viên tinh thần sau những ngày mùa vất vả. Qua đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc cũng như làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, những mô hình như đội văn nghệ thôn Làng Toòng sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân./.