Hoạt động của ngành

Tiên Yên khôi phục nét văn hóa đặc sắc

Cập nhật: 14/12/2018 09:45:12
Số lần đọc: 1755
Thời gian qua, đã có nhiều nét văn hóa truyền thống của huyện Tiên Yên bị mai một đã và đang trong kế hoạch khôi phục lại, làm sống động những giá trị một thời nằm trong im lặng.


Leo dao tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu lần thứ I-2018 ở huyện Tiên Yên.

Một trong số đó là Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu lần thứ I-2018 (còn gọi là Lễ hội Đại Phan) tổ chức tại xã Hải Lạng vào trung tuần tháng 11 vừa qua. Trong ngày hội, người ta biết được nhiều dụng cụ sản xuất của người Sán Dìu vốn đã được cất kỹ trong nhà kho vì không dùng đến nữa; những bộ quần áo sặc sỡ, nghe bài hát của dân tộc Sán Dìu, được tận mắt nhìn thấy lễ leo dao rất đặc trưng…

Ông Lộc Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Lạng, cho biết: “Do những biến cố lịch sử mà đến nay các phong tục tập quán nghi lễ của người Sán Dìu trên địa bàn xã, huyện đang bị mai một dần và thất truyền, không còn trang phục truyền thống, chỉ một số người cao tuổi mới biết hát Soọng cô, phong tục cưới hỏi đang dần bị đồng hóa với người Kinh, một số nghi lễ còn duy trì song nhỏ và đơn giản. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tiên Yên, cho hay: “Văn hóa của người Sán Dìu còn rất nhiều, nhưng với khuôn khổ lễ hội lần đầu tiên được tổ chức chúng tôi chưa đưa ra hết được. Chúng tôi đang tiếp tục sưu tầm, học hỏi các nghệ nhân trong, ngoài huyện để nâng tầm các lễ hội Sán Dìu. Cụ thể, hát Soọng cọ cần được phong phú hơn, đưa thêm ẩm thực của người Sán Dìu vào cuộc thi... Người Sán Dìu có rất nhiều ngày tết trong năm như Tết Đoan Ngọ, Tết Vu lan, Tết Đông Chí, Tết Thanh Minh, Tết Nguyên đán họ đều có những nét đặc trưng riêng, rất cần nghiên cứu phục hồi”.

Đầu tháng 11 vừa qua, cùng với việc tổ chức khởi công xây dựng Khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ còn tìm cách khôi phục lại đền Đồng Đình. Khu vực này hàng năm diễn ra Lễ hội Tày, thu hút người Tày và nhiều dân tộc khác trong, ngoài huyện Tiên Yên cùng chung vui. Ông Trần Văn Đa, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi xã hội hóa trước mắt để sửa sang nâng cấp lại đình Đồng Đình và khi có điều kiện hơn thì sẽ xây dựng lại”.

Trước đó vào cuối tháng 10, chợ phiên Hà Lâu, xã Hà Lâu, được khôi phục. Đây là chợ phiên có từ năm 1965 nhưng đã dần mai một. Chợ phiên thu hút người dân các dân tộc ở Tiên Yên, Bình Liêu (Quảng Ninh) và Lộc Bình, Đình Lập (Lạng Sơn). Chợ phiên là nơi trao đổi hàng hóa, ẩm thực mang nét riêng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao và cả quần áo, khăn đội đầu của người Dao...

Theo lãnh đạo xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên đang nghiên cứu mở rộng chợ phiên Hà Lâu theo hình thức tham quan, trải nghiệm, như: Thăm khu trồng ớt xuất khẩu tại thôn Bắc Buông, nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao tại thôn Co Mười, nhà sàn người Tày tại thôn Nậm Mìn, thác Nhì Thiu tại thôn Nà Hắc..., qua đó để Hà Lâu trở thành điểm đến hấp dẫn./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục