Tổ chức "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" năm 2009
Tại ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm mỹ thuật, sách báo, chiếu phim; toạ đàm của các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân tiêu biểu; giao lưu nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống ủa các dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc và liên hoan các trò chơi dân gian truyền thống, thể thao dân tộc. Tâm điểm của chương trình là Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam".
Tham gia ngày hội dự kiến có 33 tỉnh, thành phố (trong đó có 15 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, 12 tỉnh ở Miền Trung và 6 tỉnh, thành phố ở miền Nam). Mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 30 người tham gia.
Tại Hội nghị lãnh đạo các Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch toàn quốc triển khai kế hoạch hoạt động "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" năm 2009 diễn ra chiều 18/2, lãnh đạo các sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Sóc Trăng… đã phát biểu nêu quyết tâm cao trong việc vượt khó khăn, tích cực tham gia vào ngày hội và đóng góp nhiều ý kiến để các hoạt động của "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" lần đầu tiên này thực sự có hiệu quả cao. Mặc dù thời gian từ nay đến khi diễn ra ngày hội chỉ còn hai tháng, nhưng các địa phương đều chủ động kế hoạch để tham gia ngày hội có hiệu quả nhất.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ quyết tâm phải thực hiện cho tốt các hoạt động của "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam". Để làm được điều này, Ban tổ chức cần nghiên cứu tính toán để có được kịch bản hợp lý nhất, huy động kinh phí phù hợp, với tinh thần hiệu quả, thiết thực như đã nêu trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam"./.