Đánh thức những điệu múa cổ Thăng Long
Ba năm trở lại đây, vào dịp đầu năm mới, người dân Hà Nội lại được thưởng thức những điệu múa cổ độc đáo của đất Thăng Long.
Đầu tháng 2 vừa qua, gần 300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đã mở một chương trình biểu diễn múa cổ đặc sắc tại vườn hoa Lý Thái Tổ, với tên gọi Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội 2009. Tại liên hoan này, có tới 7 điệu múa cổ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại sân khấu lớn.
Gây bất ngờ nhất trong Liên hoan là sự tham gia của Đại đức Thích Thanh Quy, trụ trì chùa Đào Xuyên ở Gia Lâm, cùng các tăng ni trình diễn trong màn múa Giải oan thích kết. Đây là điệu múa nghi lễ Phật giáo, mang tính nhân văn cao, tái hiện việc lập trai đàn giải oan, cầu siêu cho các vong hồn trong tiến trình lịch sử nghìn năm của đất Thăng Long.
Một điệu cũng được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo là Thị Hồ Huỳnh Cân, do Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Đống Lim ở quận Long Biên, chỉ đạo nghệ thuật. Điệu múa này do các phật tử múa trong chùa vào những ngày lễ đầu xuân, với đèn hoa sen tượng trưng cho nét đẹp tinh khiết dâng lên đức Phật, cầu chúc năm mới an khang.
Hai điệu múa cổ đặc sắc còn lại là múa Hội trống và múa Vật. Múa Hội trống do các nghệ nhân và nhân dân tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, trình diễn. Từ xưa, tiếng trống đình, trống hội đã là những âm hưởng, tín hiệu thông báo của cư dân châu thổ sông Hồng và vùng đất kinh kỳ. Cư dân vùng Đọi Tam, Phú Mỹ, Phú Xuyên đã sáng tạo và phát triển điệu múa trống, cùng hòa tấu trống, tạo nên vô vàn âm thanh và dáng điệu múa đẹp, rộn rã làng thôn đón chào xuân mới. Còn múa Vật, là một môn nghệ thuật truyền thống của làng Mai Động, nổi tiếng đất Thăng Long xưa.
Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã triển khai chương trình Phục hồi phát triển múa cổ, trong đó có việc tổ chức Liên hoan múa cổ Thăng Long -Hà Nội. Đây là một chương trình hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000, bởi những điệu múa không những thể hiện tài hoa của những người nghệ nhân xưa mà còn là sự kết tinh văn hóa truyền thống, đậm tính dân tộc, tình cảm và tâm linh của người Thăng Long trong suốt 10 thế kỷ qua.