Bắc Kạn khai thác tiềm năng, phát triển du lịch
Vườn Quốc gia Ba Bể rộng hơn 23 nghìn ha với những cánh rừng già nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, đa dạng, là nơi bảo tồn và lưu giữ các loài gen quý hiếm, đã được công nhận là di sản ASEAN và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Bắc Kạn còn có nhiều hang động, thác ghềnh đẹp như: Ðộng Puông, động Hua Mạ, thác Ðầu Ðẳng, động Nà Phoòng, thác Bản Vàng (huyện Ba Bể), thác Nà Khoang, thác Nà Ðăng (huyện Ngân Sơn), thác Bạc Áng Toòng (huyện Na Rì). Ngoài cảnh quan thiên nhiên, còn có nhiều di tích lịch sử như: Khu ATK (Chợ Ðồn); chiến thắng Phủ Thông, đèo Giàng; Nà Tu, Cẩm Giàng... gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ta trong thời kỳ kháng chiến.
Với bảy dân tộc anh em (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán chay, Mông, Hoa), Bắc Kạn hội tụ nhiều nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Các bản nhà sàn chênh vênh bên sườn núi của người dân tộc Tày, những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao, Mông, các làn điệu dân ca như hát Then si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, chọi bò, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... đã tạo sự hấp dẫn với du khách. Một số đền, chùa như: đền Thắm, chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới)... Ngoài kiến trúc nghệ thuật còn có môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên đẹp tạo thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh nhất là sự cố gắng của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, ngành du lịch Bắc Kạn đã có nhiều khởi sắc và thu được những kết quả nhất định.
Ngoài việc tập chung xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển khu du lịch vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh còn đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái Nà Khoang (Ngân Sơn), Thác Bạc (thị xã Bắc Kạn); điểm du lịch động Hua Mạ (huyện Ba Bể), động Nàng Tiên (huyện Na Rì) và xây dựng các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên vùng. Lượng khách du lịch đến với Bắc Kạn ngày càng tăng. Doanh thu hoạt động du lịch mấy năm gần đây tăng bình quân 28%/năm. Năm 2008, doanh thu từ du lịch đạt hơn 40 tỷ đồng tăng 143% so với năm 2007.
Công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch được quan tâm chú trọng. Hằng năm, tỉnh phối hợp Tổng cục Du lịch và Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội và các địa phương trong vùng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, nghiệp vụ buồng, bàn, bar, bếp cho các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu, điểm du lịch luôn được quan tâm đầu tư: như dự án nâng cấp tỉnh lộ 258 (thị xã Bắc Kạn đi Ba Bể), xây dựng Trung tâm đón khách du lịch Buốc Lốm, nhà chờ thuyền Hồ Ba Bể. Tỉnh đã xây dựng xong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 1998 - 2010, định hướng đến 2020 và đang hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết Khu du lịch Ba Bể.
Nhằm hấp dẫn ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, hằng năm ngành du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương tiến hành các hoạt động văn hóa gắn liền với lễ hội truyền thống dân tộc như: Hội xuân Ba Bể (từ ngày 8-10/1 âm lịch hằng năm); lễ hội Lồng Tồng; chợ tình Xuân Dương (25/3 âm lịch)... Ðồng thời phát triển thêm các loại hình du lịch đi bộ, leo núi, các món ăn ẩm thực của địa phương, xây dựng, mở rộng và phát triển các làng nghề phục vụ tham quan của du khách.
Ðể khai thác tốt tiềm năng sẵn có phục vụ phát triển du lịch nói riêng, tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, xây dựng hoàn chỉnh dự án Quy hoạch tổng thể khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho việc xây dựng Quy hoạch chi tiết, tạo điều kiện cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển du lịch Bắc Kạn; đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng: khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác phát triển các tour, tuyến du lịch trong vùng và khu vực. Tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, các di tích lịch sử đã được xếp hạng phục vụ du khách tham quan và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá du lịch Bắc Kạn đến với du khách trong và ngoài nước.