Non nước Việt Nam

Ðình cổ Sùng Văn (Nam Định)

Cập nhật: 16/01/2008 15:01:12
Số lần đọc: 2431
Kể từ đầu năm 1930, khi ngọn cờ Ðảng bay cao trên miếu thổ thần gốc đề, phía sau đình xã Ðồng Văn, thì từ đây tên gọi ngôi đình "Linh Lang Ðại Vương" mang tên mới: Sùng Văn (đất yêu chuộng văn chương).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đình cổ càng cổ kính hơn với hệ thống mái ngói bền chắc in dấu thời Hậu Lê xa xưa thờ ba vị thần: Linh Lang Ðại Vương thời Hùng Duệ Vương và hai tướng Cao Ðê, Ðãi Chân phò An Dương Vương thắng ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Và năm 1997 đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử - nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Ðình Sùng Văn nay thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh.

 

Từ thành phố Nam Ðịnh, theo đường 21, 13km, đường làng rải nhựa dẫn khách đến di tích. Tiền đường của đình là ngôi nhà năm gian to rộng, dài 21m, rộng 11m, được xây dựng thời Hậu Lê, sang thời Nguyễn được tu sửa một số lần. Những năm gần đây do tình trạng ngôi đình xuống cấp, Ban bảo vệ di tích lại tiếp tục trùng tu cấp thiết để giữ gìn di sản văn hóa này. Vẻ đồ sộ của công trình thấy ngay ở hai hàng cột cái đường kính 0,06m, cao hơn 5m, làm bằng gỗ lim già nổi vân đa dạng dựng trên hàng đá chân tảng, gờ chỉ viền mép công phu.

 

Những hàng cột cái, cột quân đều được tạo dáng kiểu ống tơ, soi chỉ cầu kỳ, đẹp mắt, khiến bộ khung tưởng chừng nặng nề mà vẫn gây cảm giác nhẹ nhõm.

 

Ðiều đáng lưu ý là hệ thống bẩy, kẻ ở các vì, nhất là hai cặp kẻ góc được tạo dáng, ghép nối như thân con rồng từ nóc đình nhao xuống đỡ góc đao uốn cong của bốn mái đình. Bẩy, kẻ, được làm từ các khúc gỗ lớn, cứng chắc tạo thành các đoạn uốn lượn mềm mại. Hai bên thành của bẩy kẻ, còn soi, nhấn tạo khung uốn vành mai hoặc đục chạm kênh bong các đề tài long hóa, mây tản đường nét tinh tế. Các đầu dư đỡ câu đầu hoặc đỡ xà lòng mặt tiền, là những tác phẩm chạm nổi nhiều đề tài: rồng vuốt râu, vân ám, lá hỏa thật phong phú, điêu luyện.

 

Ðình Sùng Văn cũng như các công trình kiến trúc nghệ thuật khác, gian chính giữa được trang hoàng và chạm khắc nhiều hơn cả. Ở đây, dù phía ngoài hay phía trong công trình, trên xà, trên con giường hay mê cốn đều được đục chạm kênh bong nhiều đề tài như: long, ly, quy, phượng đang chầu, đang vờn nhau, hay hình ảnh rồng lấy nước có cá, có rùa đang bơi. Các bức chạm rồng bay, phượng múa, ly vờn ẩn hiện trong mây lá hỏa ở hai bên xà nách. Những cảnh long vân thể hiện ở ván bưng, những cụm trúc hóa đều được cách điệu cao. Ngoài những đề tài như trên ở đây còn điểm hình ảnh những con ly sinh động đang kiên nhẫn phủ phục để đỡ hàng hoành nặng nề của dàn mái.

 

Ðiều đáng chú ý của công trình này là cửa cấm. Tại đây ngoài việc điêu khắc các đề tài tứ linh công phu còn sơn son thếp vàng rất lộng lẫy. Các họa tiết ở phía trên xà nách có các cảnh voi ngậm đuôi rồng, rồng cuốn ly là những hình tượng dân gian đan xen trữ tình, hóm hỉnh. Chính diện cửa cấm chạm long, ly, quy, phượng chầu bông hoa cúc tượng trưng mặt nguyệt. Trên cùng là đại tự có dáng như ba trái đào dính vào nhau. Trong mỗi trái đào có một chữ lớn, ghép lại thành ba chữ "đức trường lưu" (công đức còn lại mãi mãi). Phải chăng đây là tấm lòng của nhân dân địa phương đối với ba vị thành hoàng của quê hương, gắn với sự mong ước trường tồn.

 

Ðình Sùng Văn từng thu hút nhiều danh nhân văn hóa. Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (1833 - 1915) từng giữ chức Ðốc học Nam Ðịnh, Ðốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc Tử Giám (Huế) nhiều lần thăm đình và tiến cúng câu đối thờ nay vẫn được lưu giữ trang trọng. Tam nguyên Yên Ðổ (Nguyễn Khuyến) cũng đã đề thơ.

 

Nhân kỷ niệm mười năm Ðình Sùng Văn được công nhận Di tích lịch sử - nghệ thuật kiến trúc quốc gia, vừa qua nhân dân xã Mỹ Thuận đã tổ chức lễ hội truyền thống, khởi công trùng tu ngôi đình cổ Sùng Văn với kinh phí Nhà nước đầu tư hơn tám tỷ đồng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT