Non nước Việt Nam

Cụm di tích lịch sử tại Bảo tàng Đồng Tháp

Cập nhật: 17/01/2008 10:22:28
Số lần đọc: 2071
Bảo tàng Đồng Tháp nằm trên địa bàn phường 4, thành phố Cao Lãnh, trong khuôn viên 10.000m², mặt tiền hướng ra bờ sông Cao Lãnh, yên tĩnh và thơ mộng. Nơi đây mỗi ngôi nhà, mỗi thước đất, mỗi hàng cây đều mang dấu tích lịch sử cách mạng trong hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đồng Tháp.

Đến tham quan Bảo tàng Đồng Tháp du khách nhìn thấy những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp, đây là cơ quan đầu não của kẻ thù như: quận đường Cao Lãnh, sau đó là trụ sở ngụy quân tỉnh Kiến Phong (dinh cò, dinh quận, trại lính, trại giam v.v.

 

Theo dòng lịch sử, Quận Cao Lãnh thành lập năm 1914, tuy là vùng hẻo lánh nhưng nó là cửa ngõ ra, vào vùng Đồng Tháp Mười - căn cứ kháng chiến của nghĩa quân. Quận Cao Lãnh được giới quan chức người Pháp đánh giá là vùng đất có vị trí địa lý hành chánh phục vụ cho chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế quan trọng ở Nam Kỳ.

 

Năm 1926 để bành trướng quận lỵ Cao Lãnh, Pháp cho xây dựng ở làng Hòa An, tổng An Tịnh một nha quận đồ sộ, có một lầu (dinh quận). Năm 1956, Mỹ Diệm thành lập tỉnh Kiến Phong, nha quận trở thành trụ sở ngụy quyền tỉnh. Năm 1963 sau khi xây dựng tòa hành chánh, nơi đây giao lại cho lực lượng quân đội quản lý. Cách nha quận khoảng 40 m về hướng Nam là dinh cò Tây. Đây là nơi ở và làm việc của tên cò Cazénova phụ trách cảnh sát và bảo an.

 

Từ năm 1955 đến năm 1975 ngôi nhà này là nơi ở, làm việc của Chánh án Tòa án tỉnh Kiến Phong của bọn ngụy. Xây dựng sau dinh quận, dinh cò là nhà địa chủ Lư. Tháng 02 năm 1946 Pháp tấn công và tái chiếm Cao Lãnh, lực lượng Hòa Hảo của đại đội Phùng chiếm ngôi nhà này làm trụ sở. Đây là bọn khét tiếng tàn ác, chuyên săn lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng và gây nhiều nợ máu đối với nhân dân. Từ năm 1955 đến năm 1975 ngôi nhà này là trụ sở của Ty công chánh ngụy.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng tại đây, vào ngày 5/3/1961 Đảng ta đã tổ chức cuộc đấu tranh chính trị lớn. Nhân dân các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Mỹ An kéo về tỉnh lỵ đủ mọi thành phần, mọi phương tiện đưa yêu sách đòi chấm dứt bắn pháo, khủng bố, càn quét để nhân dân yên ổn làm ăn, đòi dân sinh, dân chủ …. Lực lượng từ ngoài kéo vào, quần chúng ở nội ô hưởng ứng tiếp tế cơm nước và phát hiện, chỉ mặt bọn ác ôn để mọi người đề phòng

 

Quần chúng ngày càng đông, lên đến cả chục ngàn người, khí thế rất cao. Trước tình hình đó, địch hoảng sợ và thẳng tay đàn áp, nhưng đoàn biểu tình vẫn kiên cường đấu tranh, xông tới. Anh Mai Văn Dừa bị bắn đổ ruột nhưng không để băng bó, tự bứt ruột mình ném vào mặt kẻ thù, Bà Bướm ở xã Long Hiệp bị bắn bể hàm nhưng vẫn vẫy tay cho đoàn biểu tình tiến lên. Không khí cuộc đấu tranh căng thẳng, người trước ngã, người sau xốc tới đã làm cho kẻ địch hoảng sợ. Cuối cùng cuộc đấu tranh giành thắng lợi, buộc tên trưởng Đinh Văn Phát chấp nhận yêu sách và thả những người bị bắt.

 

Với bề dầy lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng tại nơi này, năm 1978 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng cơ quan Bảo tồn Bảo tàng tỉnh nhằm làm cho cụm di tích này trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: Đồng Tháp

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT