Chinh phục sông Miện (Hà Giang) bằng thuyền thể thao - một loại hình du lịch mới
Ai đã từng được đọc “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân trong sách Văn học lớp 12, chắc sẽ nhớ những đoạn văn miêu tả sự oai hùng và dữ dội của dòng sông Đà cũng như bản lĩnh và sự khéo léo của người lái đò. Hình ảnh về miền sông nước ấy ở mãi tận miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, hồi chưa xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Cho đến nay, nhiều người dường như cũng chỉ biết đến miền sông, thác chủ yếu là ở Tây Bắc chứ ít ai nghĩ ở miền địa đầu cực Bắc với 3/4 là đá lại là nơi sở hữu những dòng sông mà nếu ngày trước, khi ngao du đến Hà Giang, cụ Nguyễn Tuân có dịp xuôi chèo trên những dòng sông ở đây thì rất có thể sẽ có thêm tùy bút sông Miện, sông Lô.
Nhiều du khách cũng như bè bạn khi đến Hà Giang thường nói Hà Giang có cảnh quan du lịch đẹp, hùng vĩ nhưng vẫn còn thiếu điểm vui chơi. Đáp ứng nhu cầu đó, trên địa bàn Hà Giang đã và đang mọc lên nhiều khu du lịch sinh thái có quy mô đầu tư lớn như Panhou, Hướng Dương, Trường Xuân, nhưng để mạnh dạn khai thác được những lợi thế và nét độc đáo của vùng đất địa đầu thì khu du lịch sinh thái Trường Xuân đã và đang có sự đầu tư đúng hướng. Sau sự thành công của dịch vụ tắm lá thuốc truyền thống rất độc đáo, vừa qua Trường Xuân tiếp tục đầu tư cho dịch vụ thuyền thể thao du lịch. Đây là một loại hình du lịch kết hợp với thể thao hết sức độc đáo và mới lạ không chỉ ở Hà Giang mà còn trong cả nước. Nếu như trước đây, những người yêu thích du lịch mạo hiểm chỉ được xem những hình ảnh đi thuyền vượt thác rất mạnh mẽ và bản lĩnh trên ti-vi và cũng chủ yếu ở phương Tây thì nay loại hình này đã được khu du lịch sinh thái Trường Xuân đưa về Hà Giang.
Được may mắn là một trong những du khách đầu tiên trong hành trình vượt thác bằng thuyền du lịch hai người, ngay từ đêm hôm trước, tôi đã hồi hộp không chỉ bởi đã được nghe về sự “gầm gừ” đầy oai hùng của những đoạn thác sông Miện, sông Lô còn ngang “cơ” với sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân mà còn vì lần đầu tiên được trải nghiệm đi thuyền “kiểu Tây”. Sự hồi hộp quả là có lý khi hành trình hôm sau đã đi hết từ thú vị này đến thú vị khác. Để đảm bảo cho hành trình diễn ra an toàn, các du khách được trang bị đầy đủ áo phao cũng như có một hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm là anh Trần Nam - một người Hà Giang chuyên tổ chức các tua cho “Tây xe máy” đến Hà Giang. Hành trình đi thuyền khoảng 12km đường thủy trên dòng sông Miện từ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đã mang lại nhiều điều hết sức thú vị. Cả đoàn khách 6 người được ô-tô chở đến bến thả thuyền. Sông Miện nhìn từ mỏm núi cao ở xã Thuận Hòa nhỏ như một dải lụa xanh hiền hòa uốn éo quanh những bản làng của đồng bào Tày, Dao và những thửa ruộng bậc thang đầy thơ mộng. Thế nhưng, sau đoạn sông phẳng lặng, đột ngột, đoàn thuyền phải đối mặt với con thác đầu tiên gầm gừ cùng với cả những cây rừng to đùng vắt vẻo ra bờ sông, thử thách đầu tiên làm cho 1 thuyền bị lật úp vì người điều khiển bị giật mình cũng như chưa có kinh nghiệm trước những dòng nước xoáy và sóng táp mạnh vào thuyền. Đúng là không dễ như trong ti-vi, một người trong đoàn nói. Rồi mọi người tiếp tục động viên nhau vượt lên những thử thách tiếp theo. Với bình độ khá ổn định nên trên đoạn sông chừng 12km thì cứ khoảng 1km thì lại có một con thác thử thách đoàn thuyền. Vượt qua con thác thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 dường như các du khách đã dần quen và không còn sợ bị dòng nước xoáy bắt nạt, kể cả khi thuyền lao ầm ầm xuống những thác nước vòng vèo, xoáy tròn trước những đảo đá nhấp nhô như đe dọa. Từ đó trở đi, ai cũng cho rằng nếu không có thác thì không… sướng chút nào.
Dòng nước sông Miện trong sạch, được thủy điện Thái an chặn dòng nên sẽ không có thác quá lớn, không bị ô nhiễm bởi hóa chất công nghiệp cùng với cảnh quan hai bên bờ sông có thể “làm hài lòng” cả những du khách khô cứng nhất. Trên 2 bờ sông, những trùm phong lan, những vách đá rêu phong, những bãi cát, sỏi vắng vẻ dưới vách đá cao ngất, những lùm cây dại mọc theo nhiều hình thế khác nhau ở một nơi dường như chưa từng có người đặt chân đến. Đó là những nơi lý tưởng để ngả lưng và ăn lót dạ nếu du khách cảm thấy mệt sau những lần đối mặt với thác. Vượt qua những đoạn sông hoang vu, đoàn thuyền lại bắt gặp xóm bản với những chàng trai bản vạm vỡ, nước da bánh mật quăng chài bắt cá hai bên bờ sông. Dòng sông Miện lần đầu tiên tiếp đón những vị khách lạ lẫm khiến cho cư dân tụ tập ra bờ sông với những con mắt tròn xoe, đặc biệt là lũ trẻ rất thích thú và tíu tít chạy ra xem điều mà lần đầu tiên chúng thấy.
Thoát ra khỏi sự ồn ào đô thị hoặc những mỏi mệt đời thường, có thể nói, du lịch thuyền thể thao không chỉ giúp du khách được ngắm cảnh sông nước, núi non cũng như cuộc sống sinh hoạt của đồng bào hai bên bờ mà cuộc hành trình còn giúp ta có thể rèn luyện thể lực, sự dũng cảm và cả sự nhanh nhạy phán đoán, xử trí các tình huống. Nếu không xử trí thông minh cũng như sự thăng bằng bạn sẽ bị lật nhào xuống dòng thác xoáy để làm bạn với dòng nước và… áo phao. Vì thế, sau vài ba con thác đầu tiên, các thành viên trong đoàn đa phần là lần đầu tiên được đi thuyền “kiểu… Tây” đã có kinh nghiệm xử trí các tình huống. Các tay trèo như dẻo và đều hơn khi vượt qua những đoạn xoáy vòng vèo. Du lịch bằng thuyền thể thao chắc chắn sẽ rất phù hợp cho những người thích giảm cân vì giúp tiêu hao năng lượng dư thừa của cơ thể.
Mất khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ bơi qua những đoạn sông yên ả, lao mình trước những con thác từ sông Miện, đoàn thuyền đã an toàn cập bến tại khu du lịch sinh thái Trường Xuân với những khu nhà nghỉ lãng mạn và những món ăn hấp dẫn. Chuyến đi đã thành công ngoài mong đợi, mở đầu cho một loại hình du lịch với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Anh Trọng Xuân, quản lý khu du lịch Trường Xuân cho biết, để góp phần thu hút khách nước ngoài cũng như khách nội địa đến với Hà Giang, đơn vị đã và đang đầu tư các hạng mục, trong đó có việc khai thác du lịch gắn với thể thao như dịch vụ trèo thuyền đầy mới mẻ và hấp dẫn này. Anh cũng cho biết, các tua, tuyến du lịch đường bộ, trèo thuyền, nghỉ ngơi sinh thái…trong tỉnh do khu du lịch sinh thái Trường Xuân tổ chức sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách, làm cho mảnh đất Hà Giang xa xôi thêm gần gũi và thân thiện hơn.