Hoạt động của ngành

Hà Nội mới: Quê hương của nghề dệt truyền thống

Cập nhật: 02/04/2009 16:13:48
Số lần đọc: 2000
Hà Nội ngày nay mở rộng, ôm trọn vùng đất Hà Tây cũ, và như thế cũng đồng nghĩa với sự quần tụ trọn vẹn một vùng quê vốn có nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng, góp phần tạo nên vẻ đẹp thanh lịch của đất kinh kỳ.

Vẻ đẹp ấy đã từng là niềm mơ ước, ưa chuộng của bao thiếu nữ từ khắp mọi miền, được ấp ủ trong lời nhắn gửi những chàng trai có dịp một lần đến Thăng Long: "Nhắn ai trảy chợ Kinh thành- Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về"; hoặc cũng đã từng được nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc đến khi ông viết: "Huyện Từ Liêm và Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai có nhiều bãi trồng dâu, nhân dân chăm về chăn tằm, dệt cửi. Các xã Hạ Lôi, Thiên Mỗ, Ỷ La... có tài dệt lụa, trừu, lĩnh và các loại lụa dày... không thua kém gì của Trung Quốc".

Làng Cổ Đô, huyện Ba Vì - nơi địa đầu của Hà Nội - vốn có nghề dệt lụa, thờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm vị tổ nghề của mình. Tương truyền, bà là con gái vua Hùng, từ nhỏ đã được vua cha cho học nghề này, sau trở về truyền lại cho dân quanh vùng. Khi Thiếu Hoa trưởng thành, nhà vua có ý định gả nàng cho một viên quan dưới quyền, nhưng nàng không muốn ràng buộc, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, bèn trốn về làng Cổ Đô dạy cho phụ nữ nơi đây biết nuôi tằm, dệt lụa và còn tiếp tục truyền nghề cho hơn 60 làng khác nữa.

Một trung tâm nghề dệt thủ công thuộc vào loại cổ và nổi tiếng nhất, có thể xuất hiện từ cuối thời Lý, đầu thời Trần và phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 18-19 là vùng Ba La, Hoài Đức. Làng Phùng Xá, Canh, Mỗ cũng là những địa danh giỏi nghề dệt cùng với làng Nghĩa Đô, Yên Hòa. Dân làng Triều Khúc đi mua các loại tơ xấu, tơ rối của các làng La Khê, La Cả... để dệt lại thành quai thao cho những chiếc nón duyên dáng của các cô gái Thăng Long: "Ai làm chiếc nón quai thao - Để cho anh thấy cô nào cũng xinh".

Thế là vải lụa từ vùng Bưởi, Yên Thái, Trích Sài, từ Nghi Tàm, Nghĩa Đô, Thành Công đến các làng La Khê, La Cả, làng Bùng, Cổ Đô... được đưa về Thăng Long. Rồi từ màu trắng trơn nguyên gốc ban đầu, được bàn tay của những người thợ nhuộm đất kinh kỳ tô điểm thêm màu sắc: nhuộm thâm ở Bưởi, nhuộm màu lam ở phố Hàng Lam (Cửa Nam bây giờ), nhuộm Đông Mỹ, Bích Lưu ở phố Thợ Nhuộm... để cho Thăng Long - Hà Nội có một phố Hàng Đào mang đậm bản sắc người Kẻ Chợ, đến độ người Pháp vào thế kỷ 19 đã đặt tên Rue de la soie (phố tơ lụa).

Quả thật, nghề dệt thủ công truyền thống cùng với nhiều nghề cổ truyền khác nữa từng đã và đang tồn tại, phát triển trên đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay với đôi bàn tay lành nghề, với óc thẩm mỹ đầy sáng tạo của những người thợ thủ công, nghệ nhân tài hoa đến từ mọi miền, đã góp phần vun đắp nên truyền thống khéo tay, hay nghề của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nguồn: website HNM

Cùng chuyên mục