Du lịch về nguồn ở Quảng Nam đang thu hút du khách
Hoàn toàn mới, được quảng bá tốt và được mở ngay giữa mùa du lịch cao điểm của năm du lịch quốc gia nên lượng khách đăng ký tour này khá đông. Các điểm đến như Prao, Đồi E, Bến Giằng, Khâm Đức, làng Rô, cứ điểm Ngok Ta Vak, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo... hầu như tuần nào cũng có khách phương xa đến thăm. Trong đó, đông nhất vẫn là các cựu binh, những người từng sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam hoặc từng hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ để chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đến những địa điểm trên, hầu hết du khách đều rất xúc động và, ngắm cảnh thì ít mà chủ yếu là... lục lọi trí nhớ để kiếm tìm và hồi tưởng. Bác Lê Cao Nhân, một dược sĩ mang hàm thiếu tá và là một trong những vị khách đầu tiên của tour này, khi nghỉ chân trên đỉnh đèo Lò Xo đã mở sổ tay ghi lại cảm xúc của mình. Trong đó có đoạn: "... Chuyến du lịch về Quảng Nam mà con gái út tặng nhân dịp sinh nhật bố thật nhiều ý nghĩa. Bố đi du lịch và hơn thế, còn để tìm lại ký ức một thời ở chiến trường xưa".
Cũng như tour "Khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại", việc đưa khách đến thăm các di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa thường được gọi bằng cái tên chung là "du lịch về nguồn". Khách của loại hình này thường là những "người trong cuộc", tuổi đã khá cao. Ngoài ra, còn có một số vị khách còn rất trẻ, "đi theo lời kể của cha, ông mình". Tháng 4 năm ngoái, tôi có dịp theo chân một đoàn khách từ Thanh Hóa vào, lên thăm Khu Di tích Khu ủy V ở Nước Oa (Trà Tân, Bắc Trà My). Trong khi các vị khách lớn tuổi lo "định vị" dấu tích vườn cam tướng Chu Huy Mân, mân mê vệ đá căn hầm chìm rồi dắt nhau ra suối tìm ốc đá... thì những người trẻ tuổi liên tục quay phim, chụp ảnh. Một khách trung niên giải thích: "Những gì ở khu căn cứ này tôi đã thấy và cơ bản đã hình dung được. Nhưng các con của tôi thì chưa có dịp, nên tôi tin những thước phim này sẽ giúp chúng biết ít nhiều về nơi mà ông nội của chúng từng đi qua...". Sau khi kết thúc chuyến thăm, cả đoàn quay về thị trấn Trà My ăn cơm và nghỉ ngơi. Dịch vụ lưu trú còn rất sơ khai, các dịch vụ tiện ích đi kèm cũng hiếm, song không ai phàn nàn. Bởi lẽ, như tâm sự của họ thì, hệ số giá trị của "du lịch ký ức" được xác lập không phải ở các tiện nghi mà là ở không gian thật của di tích. "Giá như ngay tại khu di tích, các bạn cho chúng tôi ăn "cơm kháng chiến" thì sẽ ý nghĩa và thú vị hơn nhiều...", một người trong đoàn gợi ý.
Được biết, đối với loại hình du lịch về nguồn, mục tiêu chính không phải là làm cho du khách chịu móc hầu bao, chịu chi “sộp” mà cái chính là tính đến việc đền ơn đáp nghĩa. Vì thế, "doanh thu" mà nó mang lại không hoàn toàn là tiền mà ý nghĩa ở chỗ giúp cho những người trong cuộc sống lại với quá khứ hào hùng; nhắc nhở và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cha ông. Với tinh thần ấy, Công ty Đường mòn châu Á đã nhiều lần nhận tour giá mềm đưa khách đến các khu di tích lịch sử trong nước - trong đó có Quảng Nam, và các di tích lịch sử ở nước bạn Lào. Khi được hỏi về loại hình "du lịch ký ức" ở Quảng Nam, một nhân viên của công ty này nhận xét: "Quảng Nam có nhiều di tích lịch sử đã và đang được đưa vào khai thác, trong đó một số di tích còn tương đối nguyên vẹn nên sức thuyết phục rất lớn. Tuy nhiên, hình như khâu được tiếp thị, quảng bá còn ít và việc đầu tư cho hạ tầng cũng còn hạn chế...".
Dễ thấy, tiềm năng của "du lịch về nguồn" của Quảng Nam là khá phong phú và đa dạng, bởi hầu như ở địa phương nào cũng có các địa chỉ đỏ nổi tiếng với những "lý lịch" rất riêng. Ngoài các di tích nằm ở vùng núi phía tây của tỉnh - đã được đưa vào khai thác trong tour "Khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại", tại các địa phương trung du, đồng bằng cũng có nhiều điểm đến của mà mỗi tên gọi đều gắn với một sự bi tráng, máu, nước mắt và tinh thần quật khởi. Trong đó, có thể kể đến Đồi Núi Thành, địa đạo Kỳ Anh trên vùng cát Tam Thăng anh hùng, Cấm Dơi (Quế Sơn), Bồ Bồ (Điện Bàn), Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An), cây dương thần (Thăng Bình - Duy Xuyên), Điện Ngọc (Điện Bàn), Thượng Đức (Đại Lộc)... Việc đưa vào khai thác du lịch tại các di tích này, trước hết sẽ góp phần làm sống lại ký ức một thời oanh liệt, vừa góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch cho ngành công nghiệp không khói của địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho việc "khớp nối" các tour, tuyến du lịch trên địa bàn một cách có hệ thống và khoa học hơn, nhằm khai thác tối đa các tiện ích hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ sẵn có giữa các loại hình du lịch. Vấn đề đặt ra lúc này dường như không phải ở chỗ chọn nơi nào làm điểm đến mà cái chính là việc thiết kế tour sao cho hợp lý, cùng với đó là việc đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ và tương xứng với tiềm năng…