Về Bạc Liêu săn tìm hồn cổ
Đi chơi ở Bạc Liêu không thể không ghé thăm chùa Xiêm Cán trên địa bàn thị xã. Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông là 2 xã có vườn nhãn cổ, rộng khoảng 230ha, dài trên 1km. Đây là vùng đất giồng được hình thành qua quá trình bồi lắng, là loại đất rất thích hợp trong việc trồng nhãn và đã tạo nên thương hiệu nhãn một thời lừng lẫy của địa phương. Tới xã Hiệp Thành là bạn tới chùa Xiêm Cán.
Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, được xem là lớn nhất và đẹp nhất Nam bộ, thu hút nhiều khách đến tham quan. Bên trên cổng chùa là hình ba ngọn tháp nóc nhọn kiểu Angkor, trang trí hình Rắn thần Nagar có nhiều đầu. Từ cổng vào khuôn viên chùa khoảng 100m. Như các ngôi chùa Khmer Nam bộ khác, chùa Xiêm Cán là một quần thể kiến trúc gồm: chánh điện, sa la, nhà ở cho các sư, lò hỏa táng, tháp cốt,... Kiến trúc chính điện chùa Xiêm Cán thể hiện những họa tiết, hoa văn đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, từ mái vòm, tường, các hàng cột, cửa, cho đến các bậc cấp cầu thang. Các cột chùa khắc chạm hình tiên nữ và quái vật. Bậc cấp cầu thang chùa khắc chạm hình Rắn thần Nagar. Vào chánh điện, với mái vòm cao vút, bạn như bước vào một thế giới khác: thế giới của sự tĩnh lặng tâm linh và sự mát mẻ, thoải mái. Đi dài theo hai bức tường chính, bạn sẽ gặp nhiều phù điêu, bích họa, đặc biệt là các bích họa diễn tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc mới sinh cho đến khi nhập diệt và bích họa diễn tả trường ca Ramayama.
Đối diện chánh điện là cột trụ biểu cao vút trang trí hình con rắn 5 đầu quấn quanh thân cột. Đây là nơi vào các ngày lễ người ta thắp nến với ngụ ý giáo lý Phật giáo sẽ soi sáng nhân loại, giúp mọi người có cuộc sống hướng thiện, như loài rắn tuy hung dữ nhưng khi được cảm hóa lại là loài có ích cho con người. Ngoài giá trị xưa cổ, chùa Xiêm Cán còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tại đây, trong những ngày lễ hội, tết nhứt, thường diễn ra những cuộc vui chơi, ca hát hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa.
Nếu chùa Xiêm Cán có khoảng 100 năm tuổi thì gần đó khoảng 1km, là cây xoài 300 năm. Thân cây 5 người ôm không hết. Dù “già” nhưng cây không “cỗi”, vẫn đơm bông kết trái theo đúng mùa.
Cổ xưa hơn, tại Bạc Liêu còn có một di tích độc đáo khác là tháp cổ Vĩnh Hưng ở ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách TX Bạc Liêu khoảng 20km. Theo tư liệu, tháp cổ Vĩnh Hưng, được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911. Tháp được liệt vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer dưới tên gọi là tháp Trà Lòng, và đã được nhà cầm quyền thời đó xếp trong danh mục di tích lịch sử ở Nam kỳ. Tháp còn có tên gọi khác như: Lục Hiền, Bhah Dhat.
Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m, cạnh kia là 6,9m, cao 8,9m. Tháp xây bằng gạch có màu đỏ ghép khít lại, không dùng chất kết dính, giống như cách xây các tháp Chăm. Tháp là một gian hình chữ nhật dựng đứng với một cửa chính, nóc uốn vòm. Trong tháp, khi khai quật, người ta tìm thấy bàn tay tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới tượng nữ thần, tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng... cùng một số vật thờ cúng khác. Trước đây, quanh tháp là vùng hoang địa, thân tháp phủ kín cỏ dại, dây leo. Về sau tháp được khai quật thêm 3 lần. Năm 2003, khai quật dài 1 tháng 20 ngày, tháp được tôn tạo lại như ngày nay, những viên gạch hư mục được phục chế bằng gạch tiểu. Để đề phòng tháp có thể bị ngã sập, phía sau thân tháp đã được niềng ngang bằng ba sợi thép không gỉ. Bên trong tháp, có tượng linga và yoni. Nằm chệch phía tay mặt, có một linga khác, nhỏ hơn. Tất cả cùng một màu xanh như đá mài, có lẽ mới được phục chế, đặt vào.
Vĩnh Hưng là một ngôi tháp có kiến trúc cổ duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn được bảo tồn giá trị về mặt nghệ thuật, văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Tháp đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Không khí quanh tháp rất mát mẻ, yên tĩnh và thanh sạch. Ngày nào cũng có khách đến viếng tháp. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tháp vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút đông đảo khách thập phương đến viếng cúng.