Festival Biển 2009: Sẽ có nhiều hoạt động triển lãm
Theo kế hoạch, Festival Biển 2009 sẽ có nhiều hoạt động triển lãm như: Triển lãm gốm và dệt thổ cẩm Chăm (tại Tháp Bà Ponagar), triển lãm gốm mỹ nghệ Chăm (công viên bờ biển đầu đường Nguyễn Chánh - Trần Phú) của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Gốm mỹ nghệ Nhất Chi Lan, triển lãm ảnh “Nét đẹp xứ Trầm Hương” (công viên bờ biển cạnh Quảng trường 2-4), triển lãm thư pháp (Hội quán Hòn Chồng), triển lãm cổ vật (Bảo tàng tỉnh, 16 Trần Phú, Nha Trang)…
Để chuẩn bị cho triển lãm ảnh “Nét đẹp xứ Trầm Hương”, mới đây, lãnh đạo Sở VH-TT-DL cùng Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đã có buổi họp mặt với các nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Trầm Hương, kêu gọi các nghệ sĩ gửi tác phẩm tham gia triển lãm (hạn cuối gửi tác phẩm là ngày 15/5). Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Bài - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: “Chúng tôi đã có buổi gặp mặt các nghệ sĩ nhiếp ảnh để nói rõ mục đích, ý nghĩa của triển lãm trong dịp Festival Biển 2009; kêu gọi các tác giả gửi tác phẩm để Ban tổ chức tuyển chọn… Triển lãm ảnh “Nét đẹp xứ Trầm Hương” đã trở thành một thương hiệu của Khánh Hòa, đó là đề tài “mở” nên tác phẩm tham gia triển lãm rất phong phú, có cái nhìn đa chiều về thiên nhiên - con người - văn hóa xứ Trầm Hương. Bởi thế, tôi tin rằng triển lãm sẽ thành công”. Được biết, triển lãm “Nét đẹp xứ Trầm Hương” sắp tới sẽ có khoảng 200 tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa. Ngoài ra, triển lãm còn có 50 tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ tỉnh Morbihan (Pháp).
Bên cạnh triển lãm nhiếp ảnh, triển lãm cổ vật ở Bảo tàng tỉnh cũng là một hoạt động đáng chú ý. Những năm gần đây, do Bảo tàng tỉnh vẫn đang trong quá trình sửa chữa nên hoạt động trưng bày, triển lãm có phần bị hạn chế. Vì thế, việc tổ chức một cuộc triển lãm cổ vật trong những ngày diễn ra Festival Biển 2009 là một nỗ lực đáng ghi nhận của Bảo tàng tỉnh. Theo ông Nguyễn Hữu Bài: Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia trưng bày 200 cổ vật quý hiếm được trục vớt từ các con tàu đắm trên các vùng biển Việt Nam; phía Khánh Hòa sẽ có các hiện vật quý được phát hiện qua các đợt khai quật từ các di chỉ khảo cổ học trong tỉnh như: Xóm Cồn, Hòa Diêm, Văn Tứ Đông… và một số trống đồng được tìm thấy trên đất Khánh Hòa.
Một hoạt động triển lãm khá mới ở Festival lần này là Hội chợ tranh nghệ thuật. Theo kế hoạch của Sở VH-TT-DL, Hội chợ tranh nghệ thuật sẽ có khoảng 20 gian hàng tranh của các họa sĩ, nhà điêu khắc xứ Trầm Hương. Ngoài việc trưng bày, giới thiệu mỹ thuật Khánh Hòa, tại Hội chợ tranh sẽ có một số họa sĩ vẽ ký họa chân dung cho khách du lịch. Có thể nói, việc tổ chức Hội chợ tranh nghệ thuật là một nét mới của Festival biển 2009. Đó là tiền đề để Khánh Hòa xây dựng một hội chợ tranh có tầm cỡ quốc gia.
Các triển lãm gốm như: triển lãm gốm mỹ nghệ Chăm của DNTN Nhất Chi Lan, triển lãm gốm và dệt thổ cẩm Chăm của đồng bào Chăm ở Tháp Bà Ponagar cũng góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa xứ Trầm Hương - một vùng đất có sự giao lưu, hòa quyện văn hóa Việt - Chăm. Theo kế hoạch DNTN Gốm mỹ nghệ Nhất Chi Lan trình bày với Sở VH-TT-DL, triển lãm gốm Chăm của DN này sẽ có khoảng 200 sản phẩm được trưng bày theo từng chủ đề: gốm làm tiểu cảnh, gốm trang trí ở sân vườn, gốm trang trí nội thất…
Có thể nói, các hoạt động triển lãm (tranh - ảnh - gốm nghệ thuật - thư pháp) là một mảng quan trọng trong tổng thể các hoạt động Festival Biển 2009. Các hoạt động triển lãm không chỉ tạo nên một điểm vui chơi cho du khách đến với Festival, mà qua đó còn góp phần giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa xứ Trầm Hương. Hy vọng, với sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng của Sở VH-TT-DL và những đơn vị liên quan, các hoạt động triển lãm sẽ là điểm nhấn của Festival Biển 2009.