Tin tức - Sự kiện

"Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên” giữa lòng Hà Nội

Cập nhật: 22/04/2009 10:37:33
Số lần đọc: 1622
Bảo tàng Phòng không-Không quân đang gấp rút hoàn thành nội dung trưng bày hiện vật, hình ảnh “Bộ đội cao xạ Điện Biên” và đặc biệt dồn phần lớn công sức, tâm huyết cho chương trình Phục dựng và tái hiện “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên” sẽ được ra mắt khách tham quan vào ngày 28/4/2009 tới…

Đây là hoạt động tuyên truyền chứa đựng nhiều ý nghĩa và được thể hiện bằng phương pháp mới mẻ lần đầu được áp dụng tại Bảo tàng. Thượng tá Nguyễn Hữu Đạc - Giám đốc Bảo tàng - người đề xướng ý tưởng và động viên anh chị em trong toàn đơn vị quyết tâm biến ý tưởng trên thành hiện thực, cho biết: Ý tưởng này đã được nhen nhóm từ lâu, bởi trong quá trình tiếp xúc với các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu và chiến thắng tại lòng chảo Điện Biên, ngoài những câu chuyện chiến đấu hào hùng thì đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng chiếm một vị trí khá quan trọng trong hồi ức của họ. Ví như: Tại sao trong chiến dịch, món thịt trâu kho riềng lại là món mà bộ đội “được ăn ngập răng”? Lí do là Bộ chỉ huy chiến dịch cho bộ đội các đơn vị được phép bắn trâu làm thịt rồi đăng ký số lượng để bộ phận hậu cần trực tiếp thanh toán với địa phương. Hay, thời kỳ đó tại Điện Biên có rất nhiều củ mài và cá dưới sông suối nhiều vô kể nhưng trong bữa cơm hàng ngày của chiến sĩ không có sự hiện diện của món ăn này bởi trên quy định không được ăn những thực phẩm này để khi chiến dịch kết thúc đồng bào trở về còn có cái ăn... Còn nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết thú vị nữa mà lần đầu tiên chúng tôi được biết. Chính vì vậy, ý tưởng phục dựng và tái hiện lại “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên” với tiêu chí hàng đầu là chân thực, không tô hồng mà cũng chẳng tả khổ hơn thực tế để mọi người, nhất là giới trẻ, hiểu hơn về đời sống của cha ông ta trong chiến dịch “chấn động địa cầu” này. Điều đó thúc đẩy chúng tôi thực hiện chương trình này.

 

Để đạt được tiêu chí đó, ngày 10/4/2009, Bảo tàng đã tổ chức buổi toạ đàm với cựu pháo thủ Điện Biên - Trung đoàn 367. Thành phần các cựu chiến binh tham gia cũng hết sức phong phú, từ các cán bộ chỉ huy đến các pháo thủ đến từ nhiều đại đội và đặc biệt là các chiến sĩ làm nhiệm vụ anh nuôi. Ngoài các ý kiến tiếp thu trực tiếp, các nhân viên bảo tàng còn chuẩn bị các phiếu hỏi an-két. Phương pháp điều tra xã hội học này đã giúp thu được kết quả miêu tả hết sức chi tiết, chính xác về cách chế biến các món ăn chỉ có ở chiến dịch Điện Biên.

 

Đến với “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên”, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng 11 mâm cơm với những món ăn đặc trưng, những dụng cụ hậu cần của các chiến sĩ Điện Biên thường dùng. 11 mâm cơm với hàng chục món ăn tiêu biểu cho các giai đoạn trước, trong và sau chiến dịch. Mỗi mâm cơm thể hiện sự khác biệt về cách sinh hoạt của các đơn vị pháo 37 ly, 12,7 ly và sự khác biệt về khu vực đóng quân của các đại đội vì mỗi địa phương lại có đặc trưng thực phẩm khác nhau.

 

Trong giai đoạn đầu tiên, mâm cơm của các pháo thủ được trang bị đủ bát sắt, đũa, củ cải muốn (cà la thầu), bánh chưng, muối riềng, cơm chậu... Đó là khi chiến dịch mới bắt đầu nên những người lính pháo được trang bị đồ dùng cá nhân rất đầy đủ.

 

Đến giai đoạn 2, thay vì bát sắt, những người lính đã phải dùng bát vỏ dừa, các món ăn là thịt trâu kho riềng... với lí do là trong điều kiện chiến đấu ác liệt, dụng cụ sinh hoạt cá nhân đã mất mát dần, bát sắt đã được thay bằng bát sọ dừa và những món ăn tự kiếm đã bắt đầu xuất hiện.

 

Sang giai đoạn 3, thịt hộp do Trung Quốc viện trợ và chiến lợi phẩm thu được của Pháp rất nhiều, nhưng trong điều kiện chiến đấu căng thẳng, canh trực thường xuyên trên trận địa, nên pháo thủ chủ yếu ăn cơm nắm do anh nuôi mang tới tận nơi... Với nhiều đại đội, rau tàu bay, rau rớn là món canh chủ đạo, nhưng có những nơi bộ đội chủ yếu ăn canh bí đỏ hay canh đỗ xanh... Tất cả những khác biệt đó sẽ được thể hiện đầy đủ trong “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên”.

 

Điều đặc biệt trong chương trình này chính ở sự hiện diện của các “tuyên truyền viên” đặc biệt-những cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên. Các nhân chứng sống sẽ thuyết minh từng món ăn và trò chuyện với du khách về cuộc sống của họ và đồng đội trong thời khắc lịch sử cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT