Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống
Cuộc khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã phát hiện rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra cách đây nghìn năm với nghệ thuật tinh xảo tuyệt vời.
Hiện nay, nước ta có hàng trăm loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Thí dụ: Tơ lụa Hà Ðông có nghìn năm lịch sử, mây tre đan Phú Vinh (Hà Tây) có từ hơn 700 năm, gốm Bát Tràng (Hà Nội) có lịch sử gần 500 năm...
Thời hiện đại, khi vật liệu xây dựng, đồ dùng trong gia đình được sản xuất bằng máy móc, được nhập khẩu nhiều thì sản phẩm thủ công khó tiêu thụ, nhiều nghề thủ công tưởng như thất truyền.
Nhưng nhiều làng nghề, nhiều nghệ nhân đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, lao động hết sức mình với ý thức quý trọng, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại.
Nhờ óc sáng tạo, bàn tay khéo léo của thợ thủ công kết hợp việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, các sản phẩm thủ công Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại, bền, đẹp, được nhiều người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có mặt trên thị trường nhiều nước và ngày càng có uy tín. Giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của cả nước gần đây đạt hơn 600 triệu USD/năm.
Nghề thủ công của ông cha đã được phát huy trong cuộc sống hiện đại, trong mỗi gia đình Việt Nam đều có sản phẩm thủ công như bàn thờ tổ tiên, bàn ghế mây, tranh tượng gỗ, cả bát đĩa, ấm chén...
Mới đây nhất, ở Bái Ðinh (Ninh Bình), các thợ thủ công giỏi đã đúc thành công tượng Phật bằng đồng khối nặng 100 tấn và quả chuông đồng nặng gần 40 tấn. Các làng nghề Việt Nam đã bước đầu được khôi phục và phát triển, thu hút hơn 1,35 triệu lao động chính và hàng triệu lao động phụ khi nông nhàn.
Tuy nhiên, nghề thủ công ở nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thử thách. Những nghệ nhân có tay nghề giỏi, tuổi ngày càng cao, nhiều người mất đi chưa kịp truyền hết những bí quyết trong nghề. Lớp trẻ theo được nghề của cha ông có sáng tạo còn rất ít. Ðiều đó đòi hỏi công tác đào tạo, dạy nghề, truyền nghề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Ðể phát triển nghề, không thể làm ăn nhỏ lẻ, mà cần có sản xuất tập trung với khối lượng lớn. Ðể làm được điều đó, cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản: Vốn, thị trường, nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Cùng với sự hợp tác, nỗ lực của các làng nghề và nghệ nhân rất cần sự quan tâm, trợ giúp của chính quyền các địa phương, của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Một số địa phương đã làm tốt việc quy hoạch làng nghề, xử lý môi trường, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề để tuyên truyền giới thiệu sản phẩm... Cần nhận thức sâu sắc rằng, phát triển nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi trên thế giới tinh hoa văn hóa Việt Nam.