Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Chuẩn bị tổ chức Tuần lễ Du lịch năm 2009

Cập nhật: 22/05/2009 10:44:00
Số lần đọc: 2889
Tỉnh Đắk Lắk đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch tổ chức Tuần lễ Du lịch năm 2009, dự kiến vào tháng 12/2009 tại thành phố Buôn Ma Thuật.   

Nhiều vấn đề về phát triển du lịch của tỉnh được bàn thảo quyết liệt trong các cuộc họp để tổ chức sự kiện du lịch này từ đầu năm 2009 đến nay thể hiện quyết tâm đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk và Tây Nguyên. Tỉnh đã giao Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk phối hợp với Sở VH,TT&DL, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, VP UBND tỉnh đề xuất kế hoạch thực hiện Tuần lễ Du lịch.

 

Trong Tuần lễ Du lịch này, nhiều hoạt động được tổ chức, trong đó một hoạt động được coi là rất quan trọng để thúc đẩy xúc tiến, đầu tư du lịch ở Đắk Lắk là Hội nghị phát triển du lịch Đắk Lắk.

 

Thành phố Buôn Ma Thuột cũng như những huyện thị khác của Đắk Lắk không có nhiều sản phẩm du lịch nhưng lại có đặc thù riêng. Đặc biệt là  du lịch sinh thái, văn hóa ở đây rất được du khách chọn lựa. Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Đắk Lắk có 44 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Phong cảnh đẹp, hoang sơ, hùng vĩ; nhiều di tích lịch sử, văn hóa; có nền nghệ thuật truyền thống lâu đời và phong phú, là nơi hội tụ nhiều loại hình văn hóa các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng- kiệt tác truyền khẩu di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hệ thống giao thông thuận lợi... Tóm lại, Đắk Lắk có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch mà những tỉnh, thành khác không có được.

 

Thời gian qua, Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, dịch vụ du lịch. Bằng những chính sách ưu đãi, tạo môi trường thông thoáng đã huy động được các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển ngành du lịch; đẩy mạnh công tác tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng các cụm, tuyến du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch...

 

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã rất chú trọng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo sự phân chia lợi ích hợp lý giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và dân cư địa phương, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Người dân địa phương đã trực tiếp tham gia vào các dịch vụ như cho thuê voi, chèo thuyền, bán đồ lưu niệm, chụp ảnh, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... Thường xuyên mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ môi trường, cảnh quan các điểm du lịch. Đặc biệt, qua hoạt động du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào địa phương được khách du lịch quốc tế rất ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.

 

Sở VH,TT&DL đã phối hợp với UBND các huyện, các công ty du lịch đóng trên địa bàn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu dân cư; hình thành đội văn nghệ cồng chiêng tại Khu du lịch Hồ Lăk và Khu du lịch Buôn Trí A- Buôn Đôn; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Rượu thuốc Ama Kông, cơm lam, rượu cần; khảo sát khôi phục Làng Văn hoá dân tộc cổ Buôn M’Liêng.

Nguồn: website báo Văn Hóa

Cùng chuyên mục